Giá nhiên liệu tăng nên thận trọng rủi ro lạm phát


(CHG) Theo Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, mặc dù nền kinh tế tại Việt Nam đang duy  trì được đà phục hồi mạnh mẽ nhưng các cấp có thẩm quyền nên thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng.

Theo báo cáo, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tại Việt Nam tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng này tương đương tốc độ trước đại dịch. Chỉ số PMI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng vọt từ 51,7% trong tháng 4 lên 54,7% trong tháng 5 - mức cao nhất trong 12 tháng qua, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn của ngành này.

Tuy nhiên, sản xuất máy móc, thiết bị giảm tốc từ tốc độ tăng trưởng 26,6% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 3 xuống còn 6,1% trong tháng 4 và chỉ đạt 3,7% trong tháng 5. Cũng theo WB, xu hướng chững lại này có thể liên quan đến gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19 của Trung Quốc bởi thực tế, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị đã giảm trong 3 tháng qua so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tại Việt Nam tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa: H.Dịu

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tại Việt Nam tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa: H.Dịu

Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, sau 3 tháng tăng tốc, tăng trưởng xuất khẩu giảm từ 25,2% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 4 xuống còn 18,0% trong tháng 5 trong khi tăng trưởng nhập khẩu tiếp tục đi ngang. Tăng trưởng xuất khẩu chậm lại chủ yếu do xuất khẩu điện thoại giảm tốc, nhưng xuất khẩu máy vi tính và điện tử được đẩy mạnh.

Theo Báo cáo của WB, lạm phát tại Việt Nam có nhích lên nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 4%. Đặc biệt, lạm phát giá sản xuất có dấu hiệu hạ nhiệt với chi phí đầu vào và giá bán sản phẩm đầu ra tăng với mức tăng thấp nhất trong 3 tháng qua.

Mặc dù vậy, các chuyên gia của WB vẫn cảnh báo, các cấp có thẩm quyền cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng lên có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước đang diễn ra. Các biện pháp hỗ trợ tạm thời, trong đó có hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu nên được cân nhắc để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng.

Hiện nay, giá hàng hóa thế giới có thể ảnh hưởng chủ yếu đến xăng dầu, với tác động lan truyền làm tăng chi phí vận tải nên chính sách trợ giá tạm thời, có mục tiêu cho các đối tượng sử dụng xăng dầu chính (như lái xe tải) cũng là biện pháp nên được cân nhắc để giảm khó khăn và hạn chế áp lực lạm phát.

Đồng thời, WB cũng khuyến nghị, Chính phủ nên khuyến khích đầu tư nhằm giúp tăng tổng cung. Việc khuyến khích sản xuất và sử dụng năng lượng thay thế có thể sẽ giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu nhập khẩu trong trung hạn và thúc đẩy tăng trưởng xanh hơn.