Gia Lai: Cảnh giác với thủ đoạn lừa xuất ngoại làm việc lương cao rồi đòi tiền chuộc


(CHG) Vừa qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Gia Lai tiếp nhận nhiều tin báo tố giác của người dân về việc một số đối tượng thông qua các ứng dụng mạng xã hội đăng thông báo tuyển dụng nhằm lôi kéo người dân trên địa bàn đi lao động, làm việc tại Campuchia… với mức lương cao, sau đó đòi tiền chuộc.

Thông qua các ứng dụng trên nền tảng mạng xã hội, các đối tượng đăng thông báo tuyển dụng việc làm với công việc đơn giản, yêu cầu có kiến thức về công nghệ thông tin, mức lương hấp dẫn cả nghìn USD/tháng.

Nhiều người đã tưởng thật và đồng ý sang Campuchia làm việc. Sau đó, họ được các đối tượng hướng dẫn đường đi, đưa đến các địa điểm có tên công ty do người Trung Quốc làm chủ tại Campuchia. Tại đây, các đối tượng là người Việt Nam cấu kết với các đối tượng người Trung Quốc giao công việc và hướng dẫn nạn nhân lập các tài khoản mạng xã hội để giả danh làm nhân viên tuyển cộng tác viên, nhân viên sàn đầu tư tài chính, nhân viên cơ quan nhà nước... nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam, người Trung Quốc và người dân các nước khác.

Các đối tượng trên ép nạn nhân thực hiện các chỉ tiêu về số tiền lừa đảo được trong tháng, nếu không hoàn thành sẽ đưa vào diện vi phạm hợp đồng và bị phạt. Với áp lực chỉ tiêu cao, đa số các lao động sang Campuchia làm công việc trên đều không hoàn thành chỉ tiêu. Khi họ muốn trở về Việt Nam, các đối tượng yêu cầu bồi thường hợp đồng và đóng tiền phạt vì không hoàn thành nhiệm vụ.

Trao đổi về vấn đề người dân bị lừa sang Campuchia làm việc, Thượng tá Đinh Văn Sơn, Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Gia Lai, thông tin: Trên địa bàn tỉnh, bước đầu cơ quan chức năng ghi nhận có 4 trường hợp tuyển lao động ra nước ngoài làm việc với phương thức, thủ đoạn tương tự, trong đó đã xác định rõ 2 trường hợp bị lừa đảo sang Campuchia làm việc.

Các nạn nhân  bị lừa đảo sang Campuchia làm việc đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.

Các nạn nhân bị lừa đảo sang Campuchia làm việc đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.

Đơn cử như trương hợp em K. (SN 2007, HKTT: Thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Cuối tháng 3/2022, qua mạng xã hội, em K. nhận được thông báo tuyển lao động sang Campuchia với mức lương 800 USD/tháng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn cộng với sự nhẹ dạ, cả tin, K. đã bỏ học (đang học lớp 9) và trốn gia đình sang Campuchia.

Sau khoảng 10 ngày không liên lạc được, cha mẹ của K. bất ngờ nhận được tin nhắn của con thông báo đang ở Campuchia làm việc cho một công ty do người Trung Quốc quản lý.

Khoảng 1 tháng sau, do không hoàn thành chỉ tiêu công việc, K. liên tục bị các đối tượng đánh đập, yêu cầu nộp tiền phạt với số tiền 130 triệu đồng. Không tiền, không người thân trên nước bạn, K. nhắn tin về cầu cứu gia đình.

Hình thức là các đối tượng tuyển lao động ra nước ngoài làm việc nhưng thực chất là lừa đảo, giữ người trái phép. Qua xác minh ban đầu, những người bị đưa sang Campuchia làm việc được các đối tượng người Trung Quốc giao công việc lập các tài khoản mạng xã hội, giả danh nhân viên tuyển cộng tác viên, nhân viên các sàn đầu tư tài chính, nhân viên cơ quan nhà nước... nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu không đạt hợp đồng chỉ tiêu sẽ bị phạt tiền, trường hợp chống đối sẽ bị đánh đập, bỏ đói.

Thượng tá Đinh Văn Sơn khuyến cáo, người dân cần cảnh giác để không bị lợi dụng, lôi kéo đi làm việc, sau đó bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Khi công dân có nhu cầu đi lao động cần tìm hiểu kĩ, liên hệ chính quyền địa phương để được tư vấn, hỗ trợ và phải tuân thủ các quy định pháp luật về xuất nhập cảnh.

“Đối với trường hợp người lao động vẫn còn ở Campuchia, đơn vị sẽ phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh và các đơn vị chức năng của Bộ Công an để phối hợp với các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở Campuchia lên kế hoạch giải cứu”, Thượng tá Đinh Văn Sơn nói thêm