Theo đánh giá của Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), hiện nay hàng chục triệu lao động đang bị ảnh hưởng đến việc làm. Đáng quan ngại hơn nữa là tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đang tăng nhanh chóng. Các chuyên gia cũng nhận định, thời gian tới, thị trường lao động những tháng cuối năm 2021 sẽ có thể còn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Gần 13 triệu lao động bị tác động tiêu cực
Theo đánh giá của Cục Việc làm, tính từ đầu năm đến hết tháng 7, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường đã tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước (có 79,7 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường; 75,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới). Trung bình mỗi tháng có hơn 11,3 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, trong khi đó số doanh nghiệp mới được thành lập có quy mô lao động giảm so với cùng kỳ năm trước là 7,2% lao động. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lao động diễn ra ở tất cả các ngành, tuy nhiên tập trung nhiều vào ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; dịch vụ lưu trú và ăn uống; kinh doanh bất động sản; giáo dục, đào tạo...
Cùng với đó, số lao động thất nghiệp gia tăng do nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không còn khả năng chống đỡ với dịch bệnh nên buộc phải cắt giảm lao động. Số người thất nghiệp trong quý II-2021 là 1,2 triệu người, chiếm 2,62%. Tháng 7 với mức độ phức tạp của dịch bệnh, số lao động thất nghiệp tăng cao, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị lên hơn 4%. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng tiếp tục tăng cao. Quý II-2021, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 5,2%. Tỷ lệ này trong tháng 7 tăng rất cao vì lao động phải ở nhà, nghỉ việc để thực hiện giãn cách xã hội. Trong quý II-2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 có 557 nghìn người bị mất việc, chiếm 4,4%; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%. Lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều so với khu vực nông thôn. Có 21,9% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng xấu, trong khi đó con số này ở nông thôn là 14,3%.
Theo Cục Việc làm, từ cuối tháng 6/2021, với sự bùng phát mạnh của dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, khiến cho 21 tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đặc biệt trong đó có các tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, là động lực phát triển kinh tế chính của đất nước. Theo báo cáo nhanh của 54 tỉnh, thành phố, 9,94% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh; số lao động tạm ngừng việc là gần 4 triệu người (20% tổng số lao động). Doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, số người ngừng việc có sự khác nhau, chênh lệch lớn giữa các vùng, các tỉnh tại thời điểm hiện nay. Cụ thể, tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg, hiện nay có gần 20% doanh nghiệp dừng hoạt động, số lao động ngừng việc gần 3 triệu người (33,4% tổng số lao động).
Việc làm sẽ tiếp tục gặp khó khăn
TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cho rằng, với những diễn biến như hiện nay thì tình hình dịch COVID-19 chưa thể dự báo thời điểm kết thúc. Vì vậy thị trường lao động từ nay đến cuối năm diễn ra theo kịch bản nào rất khó nhận định. Nhìn vào những số liệu thống kê về tình hình việc làm, thất nghiệp thời gian qua có thể thấy rõ tác động của dịch COVID-19 đến thị trường lao động, song TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, con số thực sự bị ảnh hưởng có thể lớn hơn nhiều.
“Việc làm sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Theo xu thế hiện nay, thị trường lao động chưa thể phục hồi được, nhưng tôi hy vọng cuối năm 2021 khi các nước bắt đầu mở cửa trở lại, trong nước việc tiêm chủng vaccine được triển khai trên diện rộng, kinh tế tăng trưởng tốt lên thì thị trường lao động mới có điều kiện phục hồi. Tuy nhiên, khác với kinh tế, thị trường lao động không thể phục hồi nhanh mà luôn có độ trễ và chuyển dịch về cơ cấu lao động”, TS Nguyễn Thị Lan Hương kỳ vọng.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thì khả năng phục hồi thị trường lao động trong những tháng nửa cuối năm 2021 sẽ phụ thuộc rất lớn vào cách nhìn nhận và kịch bản chống dịch của Việt Nam, đó là phải sống chung với dịch COVID-19. Ông Quảng cho rằng, điều quan trọng hiện nay là phải sớm mở rộng diện tiêm chủng để chuẩn bị sẵn sàng khi thế giới mở cửa trở lại.
“Nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất lớn. Vì vậy, nếu các nước trên thế giới mở cửa trở lại vào cuối năm nay cũng sẽ là một tín hiệu cho Việt Nam. Theo kịch bản này, những tháng cuối năm, tình trạng thất nghiệp và việc làm của người lao động sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, đó chỉ là dự báo dù chúng ta đều kỳ vọng tình hình sẽ tốt lên. Còn hiện nay, nhìn lại những con số thống kê về tình hình việc làm, thất nghiệp quý II vừa qua, rõ ràng là có thể chưa phản ánh hết được tác động của dịch COVID-19 đến thị trường lao động.
Qua khảo sát, nắm bắt trực tiếp từ công nhân của tổ chức công đoàn, chúng tôi thấy rằng đời sống của người lao động hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Có thể những con số về tỷ lệ thất nghiệp trong báo cáo là nhóm đối tượng hoàn toàn không có việc làm. Còn trên thực tế, có những lao động vẫn trong diện hợp đồng, không thông báo mất việc nhưng không hề có việc làm”, ông Quảng cho biết.