Không thể xử lý hời hợt, vội vàng bỏ qua vụ đổ xăng thiếu ở Bắc Giang


(CHG) Liên quan vụ việc khách hàng ở Bắc Giang đổ 500.000 đồng tiền xăng nhưng khi hút ra chỉ được 9,5 lít đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi nếu bơm đúng, đủ với giá xăng tại thời điểm đó, theo khách hàng, là phải trên 15 lít. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng xác minh, điều tra làm rõ nhưng dư luận chưa đồng tình với cách xử lý ban đầu của cơ quan chức năng khi thụ lý, giải quyết trực tiếp vụ việc này.

Theo thông tin từ báo chí, Đội quản lý thị trường số 5 - Cục Quản lý thị trường Bắc Giang sau khi thụ lý vụ việc đã ra thông báo: "Không có đủ căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH một thành viên Hoàng Hải". Trong trường hợp này, nếu bên mua không cương quyết làm đến cùng, không chấp nhận thông báo này mà đồng ý với xử lý của cơ quan quản lý thị trường và không mời công an vào làm việc, lập biên bản, báo chí lên tiếng thì vụ việc có thể đã khép lại, "chìm xuồng", rơi vào im lặng! Và như thế sẽ "huề cả làng", coi như không có gì xảy ra, với lý do là... không đủ chứng cứ, vì "xe của khách hàng đã rời khỏi trạm xăng, sau đó mới quay lại phản ánh"!

Có thể khẳng định, hành vi đổ xăng không đủ số lượng theo đơn giá đã niêm yết là vi phạm pháp luật, là gian lận thương mại cần phải bị xử lý nghiêm khắc, triệt để.

Điều mà dư luận đặc biệt quan tâm trong vụ việc này - đại diện bên bán xăng là ông Phạm Quang Hải "đã tự nhận trách nhiệm và xin lỗi khách hàng và xin được trả lại 500.000 đồng tiền mua xăng cùng chi phí tháo hút xăng". Như vậy, hành vi bơm thiếu xăng là đã khá rõ, tuy nhiên thông báo của Đội Quản lý thị trường số 5 - đơn vị trực tiếp chứng kiến, xử lý vụ việc lại cho rằng: Chưa thể xác định đây là hành vi vi phạm "bắt quả tang" làm dư luận không khỏi bất ngờ!

Cửa hàng xăng dầu nơi xảy ra sự việc đổ 500 nghìn nhưng hút ra chỉ có 9,5 lít

Cửa hàng xăng dầu nơi xảy ra sự việc đổ 500 nghìn nhưng hút ra chỉ có 9,5 lít

Không bất ngờ sao được khi hành vi vi phạm đã rõ ràng, đương sự đã nhận lỗi và trên xe còn có cả người làm chứng, nhưng cơ quan chức năng lại vẫn xác định "không có đủ căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính". Thông báo này không chỉ thể hiện việc thiếu trách nhiệm mà có thể coi đó như là hành động "vô cảm", quay lưng lại với người tiêu dùng của cơ quan quản lý có trách nhiệm. Bởi lẽ, trong trường hợp này nếu là lỗi vô ý nhưng bên bán thừa nhận thì cơ quan chức năng vẫn có thể ra quyết định xử lý hành vi vi phạm đó bình thường. Thậm chí, cần thông tin cho báo chí để làm gương, làm điểm chứ không thể vi phạm, rồi xin lỗi là bỏ qua dễ dàng như vậy được.

Chưa kể nếu không điều tra, làm rõ và xác định đây không phải là hành vi nhầm lẫn, sai sót bình thường mà là vi phạm có hệ thống, có tổ chức thì người liên quan có thể cấu thành hành vi bỏ lọt tội phạm. Bởi số tiền thu lợi bất chính từ hành vi "móc túi", gian lận của khách hàng là rất "khủng", trực tiếp xâm hại, gây thiệt hại rất lớn cho người dân, ảnh hưởng đến dư luận xã hội. Bởi chiêu trò gian lận trong việc đong đo xăng dầu đã có nhiều thủ đoạn vô cùng tinh vi nhưng đã bị phát hiện và công khai trên báo chí, nhưng trong việc xử lý vụ "đong thiếu" xăng ở việc cụ thể này chưa thấy cơ quan chức năng vận dụng để làm rõ. 

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, điều tra, xác minh thận trọng, chặt chẽ nhằm làm rõ hành vi vi phạm nếu có, để xử lý nghiêm, chứ không thể xử lý hời hợt, vội vàng bỏ qua dễ dãi như cách xử lý ban đầu trong vụ việc xảy ra nêu trên.

Làm nghiêm điều này không chỉ nhằm răn đe, phòng ngừa các trường hợp tương tự về sau, mà còn buộc những kẻ gian lận, ăn chặn "mồ hôi nước mắt" của người khác phải bị pháp luật trừng phạt một cách thích đáng. Đặc biệt tình trạng "ăn chặn", gian lận trong việc đong, đo xăng dầu hiện vẫn đang là vấn đề dư luận lên án gay gắt thời gian qua.