Kiên Giang: Tiêu hủy hàng hóa vi phạm bị tịch thu


(CHG) Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang phối hợp với Chi Cục bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Kiên Giang giám sát tiêu hủy hàng hóa vi phạm bị tịch thu.

Để đảm bảo vệ sinh môi trường khi tiêu hủy hàng hóa vi phạm, ngày 15/7, Đội QLTT số 1 phối hợp với Chi Cục bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Kiên Giang đã giám sát việc tiêu hủy hàng hóa vi phạm tại nhà máy xử lý rác thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa.

Hàng hóa vi phạm bị tịch thu buộc tiêu hủy gồm: 720 bao thuốc lá điếu nhập lậu các loại; 41 sản phẩm là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, nhãn hiệu Kobayashi, Kanehide, Bedhead và Dongsung, đều xuất xứ từ Nhật Bản. Tổng trị giá hàng hóa tiêu hủy gần 40 triệu đồng.

Đội QLTT số 1, Cục QLTT Kiên Giang giám sát tiêu hủy hàng hóa vi phạm bị tịch thu

Đội QLTT số 1, Cục QLTT Kiên Giang giám sát tiêu hủy hàng hóa vi phạm bị tịch thu

Chi phí thực hiện việc tiêu hủy do các cá nhân, tổ chức vi phạm phải thanh toán theo quy định của pháp luật.

Đội QLTT số 1 lần đầu tiên tiến hành giám sát việc tiêu hủy hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020 của Chính phủ về Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 4 Thông tư 173/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu thì tiêu hủy phải do người ra quyết định tạm giữ thành lập hội đồng xử lý để tiêu hủy các hàng hoá.

Hình thức tiêu huỷ: Tuỳ thuộc vào tính chất, đặc điểm của hàng hoá, vật phẩm và yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường, việc tiêu hủy được thực hiện theo các hình thức sau đây: Sử dụng hóa chất, sử dụng biện pháp cơ học, hủy đốt, hủy chôn, hình thức khác theo quy định của pháp luật.