Từ năm 2017, Hệ thống Thông tin giám định BHYT, BHXH Việt Nam được đưa vào sử dụng. Hệ thống kết nối thông tin giữa BHYT, BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh. Từ đây, cơ quan chức năng đã phát hiện và thu hồi về quỹ BHYT rất nhiều các trường hợp thanh toán sai quy định.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Hệ thống phát hiện thanh toán trùng lặp, sai ngày - giường, sai phân loại phẫu thuật, thanh toán thuốc chỉ định không đúng hướng dẫn sử dụng và điều kiện thanh toán; chia nhỏ đợt điều trị, kéo dài ngày điều trị nội trú, khám chữa bệnh nhiều lần, cấp trùng thuốc, thanh toán chi phí chẩn đoán và điều trị COVID-19 sai nguồn…
Đặc biệt, các trường hợp trục lợi BHYT cũng bị phát hiện. Theo đó, năm 2019 và 2020 đã phát hiện 364 lượt người bệnh sử dụng thẻ BHYT của người khác đi khám chữa bệnh BHYT với số tiền 1,14 tỷ đồng.
Đáng chú ý có 82 trường hợp sử dụng thẻ của người đã tử vong đi KCB 135 lần, 33 trường hợp mượn thẻ đi khám chữa bệnh sau đó tử vong, 196 trường hợp mượn thẻ BHYT để nằm viện sinh con, phẫu thuật tử cung, phẫu thuật ruột thừa…
Ngoài ra, hệ thống còn giúp phát hiện 26 trường hợp nhân viên y tế sử dụng thông tin thẻ BHYT của người đã tử vong để lập khống 35 hồ sơ thanh toán BHYT với số tiền 34,26 triệu đồng.
Chia sẻ về việc thẻ BHYT của người đã mất vẫn được sử dụng đi khám chữa bệnh, ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định Bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến cho hay, hiện hành vi này mới chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Mức xử phạt cũng rất nhẹ nên việc mượn thẻ bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh vẫn diễn ra.
Để ngăn chặn tình trạng này, ông Dương Tuấn Đức cho rằng, cần sử dụng căn cước công dân có đầu đọc để khám chữa bệnh, giúp xác định chính xác thông tin của người bệnh; sử dụng VssID để phản hồi ngược cho người bệnh thông tin khám bệnh…