Hàng trăm vụ lừa đảo qua mạng xã hội vẫn xảy ra


(CHG) Vừa qua, công an các tỉnh, thành Tây Nam Bộ tiếp nhận xử lý hàng trăm vụ lừa đảo qua mạng xã hội với nhiều thủ đoạn tinh vi. 

 

Chỉ tính riêng tại Tiền Giang, từ tháng 5/2021 đến tháng 7/2022, cơ quan công an tiếp nhận, xử lý 124 vụ lừa đảo qua không gian mạng chiếm gần 80% (124/157 vụ), gây thiệt khoảng 30 tỷ đồng.

Hàng trăm vụ lừa đảo qua mạng xã hội vẫn xảy ra. Ảnh minh hoạ

Hàng trăm vụ lừa đảo qua mạng xã hội vẫn xảy ra. Ảnh minh hoạ 

 Theo cơ quan điều tra, trước đây thủ đoạn lừa đảo qua mạng chủ yếu là thông báo trúng thưởng, thông báo nhận quà từ nước ngoài hoặc giả danh cán bộ cơ quan tố tụng... thì gần đây xuất hiện thêm thủ đoạn cho vay tiền qua mạng. 

 Cụ thể, khi người vay có nhu cầu, đối tượng yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin tài khoản để chuyển tiền, sau đó chiếm đoạt tiền có trong tài khoản của nạn nhân. 

 Ngoài ra, một thủ đoạn khác là kêu gọi đầu tư sinh lời trên mạng. Chiêu trò của các đối tượng là dẫn dụ nạn nhân đầu tư số tiền nhỏ nhưng lợi nhuận cao. Những lần sau, số tiền đầu tư lớn dần lên. Đến lúc thấy nạn nhân mắc bẫy, các đối tượng không cho rút tiền, đánh sập tài khoản để chiếm đoạt tiền. 

 Một thủ đoạn khác nữa cũng khiến nhiều người mắc bẫy là thông báo tuyển dụng nhân viên chốt đơn hàng online.

 Theo đó, một phụ nữ sinh sống trên địa bàn TP. Mỹ Tho đã bị lừa tuyển nhân viên bán hàng online vào cuối năm 2021. Khi thấy thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội Facebook, người này đã nhắn tin và được một người tự xưng là quản lý nhân sự của công ty hướng dẫn chốt đơn mua hàng online để nhận tiền hoàn đơn cùng hoa hồng. Các đối tượng yêu cầu chị này chuyển vào 2 tài khoản ngân hàng gần 2,5 tỷ đồng trong vòng 4 ngày. Sau đó chị không liên lạc được với các đối tượng, số tiền vốn cũng “không cánh mà bay”, chị mới biết bị lừa và làm đơn tố giác gửi cơ quan công an.

Theo Công an tỉnh Tiền Giang, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông ngày càng đa dạng và phức tạp, có chiều hướng gia tăng  về số lượng, tính chất, mức độ và hậu quả ngày càng nghiêm trọng.

 Do đó, người dân khi phát hiện đối tượng nghi vấn lừa đảo, cần bình tĩnh điện thoại báo ngay cho công an để được hỗ trợ hoặc đã lỡ chuyển tiền, phát hiện bị lừa đảo phải báo ngay cho ngân hàng để kịp thời phong tỏa, ngăn chặn.

 Công an tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, tội phạm lừa đảo qua mạng tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Cơ quan này đã tiếp nhận 47 vụ đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng số tiền thiệt hại trên 23 tỷ đồng.

Công an tỉnh Đồng Tháp đã liệt kê 20 thủ đoạn của tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao để khuyến cáo người dân tuyệt đối không nghe theo những lời mời, quảng cáo làm nhiệm vụ trên các App không rõ nguồn gốc, với lãi suất cao, đó là chiêu trò, thủ đoạn của các đối tượng dựng lên để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn hoặc là nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, người dân cần kịp thời báo ngay với công an địa phương nơi gần nhất.