Người dân ra đồng thu hoạch hạn chế hơn do phải bảo đảm xét nghiệm âm tính, thương lái cũng không dễ đến để thu mua.
Do khó khăn trong vận chuyển, chi phí cao, doanh nghiệp cũng không mặn mà thu mua gạo của nông dân, mặc dù nhu cầu mua gạo của các đối tác nước ngoài vẫn rất lớn. Thực tế là nếu gạo Việt Nam không đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu thì gạo của các nước khác sẵn sàng thay thế, và doanh nghiệp chúng ta sẽ mất mối hàng. Cũng vì ách tắc đầu ra, khó khăn trong lưu thông nên giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu hướng giảm, gây thiệt hại cho nông dân. Để tháo gỡ tình hình, nhiều đề xuất được đưa ra, trong đó có việc tạo “luồng xanh” chuyên chở gạo bằng đường thủy, cứ nhìn thấy tàu, xuồng chở gạo, lương thực là các chốt trên sông ưu tiên cho đi...
Khó khăn của gạo cũng là khó khăn chung của các loại nông sản khác đến vụ thu hoạch mà lại gặp lúc giãn cách xã hội. Có những loại hàng hóa có thể nằm kho chờ hết giãn cách, nhưng với nhiều loại nông sản, chỉ thêm vài ngày chờ đợi chất lượng đã xuống cấp, buộc phải bán với giá rẻ, thậm chí không bán được nữa. Do đó, việc giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19 là hết sức cần thiết, cần được thực hiện tốt. Thế nhưng, việc tổ chức thu hoạch, tiêu thụ nông sản cũng như việc tổ chức sản xuất, lưu thông các hàng hóa nói chung cũng rất cấp thiết và phải có giải pháp để làm tốt.
![]() |
Nông dân Cai Lậy, Tiền Giang trúng mùa Hè Thu sớm. Ảnh: Minh Trí/TTXVN |
Bị dịch Covid-19 hoành hành nhưng tỉnh Bắc Giang đã thành công trong việc sản xuất “3 tại chỗ” ở các khu công nghiệp lớn; thành công trong tổ chức thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ vải thiều. Thậm chí vải thiều của Bắc Giang vụ vừa qua còn được tiêu thụ tốt hơn những năm trước. Kinh nghiệm đó nên được phổ biến để các tỉnh tham khảo, rồi áp dụng phù hợp với thực tế địa phương mình.
Thời gian qua, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu các địa phương phải tạo ra các “luồng xanh” trong lưu thông hàng hóa. Từ chỗ chỉ có hàng thiết yếu mới được lưu thông qua những trạm kiểm dịch thì Chính phủ đã quy định danh mục các hàng hóa bị cấm lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội, còn hàng hóa ngoài danh mục này đều được lưu thông. Đó là những chỉ đạo hết sức sáng suốt. Nhưng do tình hình dịch Covid-19 rất căng thẳng và nguy hiểm, bởi vậy không ít địa phương vẫn đặt ra các quy định phòng, chống dịch khá cứng nhắc, không thống nhất, nên để đáp ứng được nhiều khi là bất khả thi với doanh nghiệp. Trong phiên họp Chính phủ với các địa phương vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh việc thực hiện giải pháp “một cung đường, hai điểm đến” trong lưu thông hàng hóa. Theo đó, các tỉnh đều phải tạo tuyến đường cho xe chở hàng chạy. Các doanh nghiệp chở hàng chỉ cần đăng ký vào “luồng xanh”, đăng ký cung đường, rồi chỉ kiểm dịch ở điểm đầu và điểm cuối.
Với tình hình dịch Covid-19 còn kéo dài, các tỉnh, thành phố nên thống nhất việc tạo ra các “tuyến quốc lộ xanh”, “cảng biển xanh”, “doanh nghiệp xanh”, “vùng sản xuất xanh”. Các vùng sản xuất, các cung đường lưu thông hàng hóa này được tách ra tương đối độc lập để hạn chế rủi ro lây lan dịch bệnh. Cách thức tổ chức sản xuất thế nào cho an toàn, xe chở hàng chạy thế nào, chạy một mình hay chạy thành đoàn, nghỉ dọc đường chỗ nào, đổ nhiên liệu tại đâu, thả hàng, bốc hàng thế nào... đều cần được tính toán cặn kẽ. Và những người tham gia vào quy trình sản xuất, lưu thông hàng hóa xanh này đương nhiên phải được ưu tiên tiêm vaccine, cũng giống như việc cung cấp vũ khí cho người lính ra trận.
Giữ cho nền kinh tế không bị ngưng trệ, không bị đứt gãy, không bị đổ vỡ là một yêu cầu tất yếu để bảo đảm nguồn lực quốc gia. Muốn có nguồn lực để chống dịch Covid-19, muốn giữ ổn định xã hội thì các bộ, ngành, địa phương cần phải tính toán được những cách duy trì cho bộ máy sản xuất, mạch máu lưu thông hàng hóa luôn vận hành, thông suốt ngay cả trong điều kiện dịch bệnh phức tạp.
Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân