Cảnh báo: Cẩn trọng khi sử dụng telegram tránh bị lừa đảo


(CHG) Ngay khi Zalo triển khai thu phí với một nhóm khách hàng và hạn chế một số tính năng nên người dùng cài đặt Telegram. Nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng ứng dụng này gửi nhắn tin giả mạo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Telegram của Nga là ứng dụng nhắn miễn phí qua internet. Telegram hoạt động được trên đa nền tảng (máy tính, điện thoại) hoàn toàn miễn phí. 

Ngay khi Zalo triển khai thu phí với một nhóm khách hàng và hạn chế một số tính năng, các đối tượng lừa đảo đã kêu gọi người dùng cài đặt Telegram để tiếp nhận tin nhắn, cuộc gọi. Thông qua Telegram, chúng thực hiện các hành vi lừa đảo như gửi tin nhắn giả mạo đơn vị nào đó để tuyển dụng việc làm với mức thu nhập hấp dẫn. 

Điển hình, trong tháng 7 vừa qua, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu phối hợp cùng Phòng cảnh sát hình sự và các đơn vị khác đã triệt phá chuyên án sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. Với 15 đối tượng và theo thống kê sơ bộ nhóm này chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của nhiều người trên khắp cả nước.

 Chúng đã lập tài khoản ảo trên Telegram để lôi kéo nạn nhân vào các hội nhóm Telegram. Nhóm đối tượng đã phân tích xu hướng của họ rồi lên danh sách, kết bạn, giới thiệu các nạn nhân tham gia vào các hội nhóm với khoảng 40 thành viên ảo do chúng lập ra.

Nhóm đã lừa đảo bằng việc sử dụng phần mềm "Macro Jibit" để tương tác, nhắn tin tự động mời chào đầu tư các sàn nhị phân của nước ngoài với các nội dung "cùng ban chuyên gia để thu lợi nhuận". Các tin nhắn giới thiệu cách thức chơi, đưa thông tin giả về việc người chơi đã thắng trước đó, các tin nhắn cám ơn "ban chuyên gia", hoá đơn giả chuyển tiền... để hấp dẫn, kích thích hám lợi của nạn nhân.

Trong quá trình tương tác, nhóm này lôi kéo bị hại bằng mức lãi lớn từ 4% - 10%  mỗi ngày. Và khi đồng ý tham gia đầu tư, nhóm này sẽ đề nghị chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định.

Sau khi chuyển tiền, người tham gia sẽ được vào nhóm VIP có khoảng 200 tài khoản, nhưng thực chất chỉ có tài khoản của nạn nhân là thật còn lại là tài khoản ảo.

Với phương thức thủ đoạn là sử dụng chính tiền của nạn nhân đã nộp gửi lại cho họ bằng tỉ lệ thu lãi như thoả thuận khiến người chơi tưởng mình thắng lớn. Cứ thế nạn nhân lại gửi tiền vào tài khoản của nhóm lừa đảo, thậm chí còn lớn hơn khoản đầu tư ban đầu. Đến thời điểm đặt ra, nhóm lừa đảo sẽ lấy hết số tiền và đóng tài khoản ảo.

Theo thống kê ban đầu, nhóm lừa đảo này đã chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của nhiều nạn nhân ở các tỉnh, thành phố trên cả nước. Số tiền chiếm đoạt này chúng chia nhau mua ô tô, hàng hiệu.

Hiện các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý nhóm đối tượng lừa đảo qua Telegram theo quy định pháp luật.

Trong thời gian qua, có nhiều vụ chiếm đoạt tài sản qua Telegram nên Trung tâm ứng cứu khn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERRT/CC) khuyến cáo người dân, ngay khi nhận thấy bản thân có dấu hiệu bị lừa đảo và không thể liên lạc được với đối tượng lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi mình cư trú để giải quyết kịp thời.

Đây là thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao nhằm chiếm đoạt người dùng cả tin và có phần hạn chế hiểu biết về khoa học công nghệ.