(CHG) Trong 7 tháng đầu năm nay, nước ta đã chi gần 2,7 tỷ USD nhập khẩu ngô và đậu tương để làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi.
Theo đó, khối lượng ngô nhập khẩu tháng 7/2022 đạt 500.000 tấn với trị giá đạt 191,7 triệu USD. Tổng khối lượng và trị giá nhập khẩu ngô 7 tháng đầu năm nay đạt 5,1 triệu tấn và 1,8 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, khối lượng đã giảm 21,9% nhưng giá lại bằng.
![]() |
Đậu tương là một nguyên liệu để làm thức ăn chăn nuôi |
Tương tự, khối lượng đậu tương nhập khẩu tương đương với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá lại tăng 22,8%. Số liệu thống kê cho thấy, tháng 7/2022, khối lượng đậu tương nhập khẩu ước đạt 250.000 tấn với trị giá đạt 189,4 triệu USD, đưa tổng khối lượng và trị giá nhập khẩu đậu tương 7 tháng đầu năm đạt 1,3 triệu tấn và 893,6 triệu USD.
Brazil, Mỹ và Canada là 3 thị trường cung cấp đậu tương chính cho Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 chiếm tới 99,2% thị phần.
Về nguyên nhân Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của nước ngoài, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năng suất trồng ngô, đậu tương của Việt Nam thấp, giá thành sản xuất cao, lợi nhuận kém hấp dẫn so với các cây trồng khác.
Năng suất ngô của Việt Nam chỉ đạt 4,8 tấn/ha, trong khi các nước sử dụng nguồn giống chuyển gen, năng suất tới 9 tấn/ha. Đậu tương của Mỹ 1 cây có tới 132 quả nhưng của Việt Nam chỉ được chưa đến 70 quả.
Việt Nam đang nhập khẩu các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương biến đổi gen. Nếu thúc đẩy đưa vào trồng các giống cây trồng biến đổi gen trong nước thì đây cũng là một hướng khắc phục chuyện phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của nước ngoài.
Ông Phùng Đức Tiến cũng chia sẻ thông tin về vấn đề này: Bộ NN&PTNT đã có thông tư về cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học. Chiếu theo thông tư này, ngô biến đổi gen hoàn toàn được phép canh tác. Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT và các ngành chức năng nghiên cứu xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để chủ động một phần.