Người dân cần được hướng dẫn cách thức phân loại rác


(CHG) Việc phân loại rác tại nguồn mang lại rất nhiều lợi ích như góp phần tiết kiệm được tài nguyên, tận dụng phế liệu tái chế và phân compost tự chế biến, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường cũng như tiết kiệm rất lớn, tạo thuận lợi cho chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.

Theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, từ ngày 25/8 tới đây, nếu các hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt (rác thải), không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị xử phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.

Đối với chủ dự án, ban quản lý khu đô thị không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn và không tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân theo quy định có thể bị phạt tiền từ 200 - 300 triệu đồng.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên có quy định về xử phạt trong việc phân loại rác thải. Mặc dù, mức phạt đối với cá nhân, hộ gia đình không lớn nhưng với chế tài xử phạt cụ thể đã là bước tiến lớn, thể hiện quyết tâm trong việc bảo vệ môi trường của nước ta. Từ nay, phân loại rác không chỉ dừng ở vận động, tuyên truyền, nhắc nhở nữa mà bị coi là hành vi vi phạm pháp luật và có chế tài đảm bảo việc thực hiện.

Vấn đề quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay là phải tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm quy định về phân loại rác tại nguồn. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần hướng dẫn cụ thể theo kiểu "cầm tay, chỉ việc" để giúp người dân, nhất là người già, trẻ em và những người cư trú ở vùng sâu, vùng xa biết cách phân loại rác, như thế nào là chất thải rắn...

Ở một số nước như Nhật Bản việc phân loại rác được thực hiện rất bài bản, khoa học, thậm chí họ còn ghi rõ năm sản xuất, năm sử dụng, tình trạng của đồ dùng là chất rắn... nên rất thuận tiện cho việc tái chế, xử lý về sau.

Vì vậy, để triển khai hiệu quả quy định này theo tôi, cơ quan chức năng bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về việc thực hiện quy định này cần tổ chức hướng dẫn chi tiết, "làm mẫu" về cách thức phân loại rác, nhận dạng các loại rác thải. Theo đó, từng tổ dân phố, cụm dân cư phối hợp với cơ quan bảo vệ môi trường, công nhân của các đơn vị thu gom rác kết hợp việc thu gom với việc hướng dẫn cho người dân, ít nhất trong giai đoạn đầu.

Điều này không những giúp người dân biết cách phân loại rác đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường mà thông qua đó kết hợp tuyên truyền, vận động để hình thành ý thức, tạo ra thói quen hàng ngày trong việc phân loại rác trước khi mang đi đổ. Đồng thời, qua đó nhằm tạo ra sự đồng thuận, chung tay, góp sức của toàn xã hội, mọi tầng lớp nhân dân trong bảo vệ môi trường, trước mắt là thực hiện tốt việc phân loại rác ngay tại nguồn./.