Sách lậu, sách giả - mối lo thường niên của các nhà xuất bản


(CHG) Ngành xuất bản vẫn luôn phải đối diện với nạn sách giả, sách lậu. Thương mại điện tử càng phát triển thì việc mua bán sách qua mạng càng dễ dàng. Do đó, sách lậu, sách giả càng có cơ hội lừa dối người tiêu dùng.

Sách lậu, sách giả được bán tràn lan trên "chợ mạng" 

Sách giả, sách lậu tràn lan trên mạng giá “siêu” rẻ

Hoạt động in lậu, in giả, in nối bản sách trái phép diễn ra với quy mô lớn, có tính chất ngày càng phức tạp. Điều này gây ra nhiều hệ lụy đến nền giáo dục nước nhà.

Thời gian qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã điều tra vụ án hình sự về sản xuất, buôn bán hàng giả xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát, Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội. 

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố đối với Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát, chủ nhà sách Minh Thuận về tội  sản xuất, buôn bán hàng giả hoặc mua sách giả với số lượng lớn để bán thu lời. Cùng với bị can Cao Thị Minh Thuận, còn có nhiều bị can liên quan khác.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung củng cố tài liệu, chứng cứ để làm rõ toàn bộ nội dung vụ án, hành vi phạm tội của các bị can đã khởi tố, hành vi của các đối tượng liên quan để kết luận điều tra, truy tố theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, hiện trong số các sản phẩm làm giả, làm nhái có cả ấn phẩm phục vụ dạy học trong nhà trường phổ thông như sách giáo khoa, sách bổ trợ, các loại sách tham khảo, bản đồ - tranh ảnh giáo dục, đĩa CD nghe nhìn giáo dục…

Với các chiêu thức mới như đẩy giá bìa lên cao rồi bán với giá thấp, tạo cảm giác người tiêu dùng được mua với giá rẻ. Tuy nhiên, người mua khi nhận được hàng thì chất lượng giấy, chữ, nội dung... lại rất nhiều lỗi. 

Tình trạng này làm mất “uy tín” của đơn vị sản xuất sản phẩm (ghi trên bìa sản phẩm) và trực tiếp ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, nhà xuất bản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, khi mà từ lâu, Việt Nam đã tham gia công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật. 

Chất lượng sách kém cũng khiến người tiêu dùng, trực tiếp là người đọc, giảm hứng thú đối với việc sử dụng sản phẩm. 

Với sự bùng nổ của thương mại điện tử, sách được bán trực tuyến nhiều so với bán trực tiếp tại các nhà sách hay trung tâm thương mại. Tất nhiên, hình ảnh sản phẩm được rao bán trên mạng xã hội được chụp từ sản phẩm “thật”. Nhưng “thật” hay “giả” thì chỉ đến khi nhận hàng, người tiêu dùng mới biết được.

Giám đốc Công ty First News (Trí Việt), ông Nguyễn Văn Phước cho biết, giá bán ra quảng cáo chỉ bằng 50-70% giá sách thật, hình ảnh sử dụng là hình ảnh chụp sách thật, các thông tin cung cấp về sách là thật. Nhưng khi khách đặt mua, người bán lại “ship” đến những cuốn sách kém chất lượng.

Bên cạnh sách in thì sách nói (audio book) và sách điện tử (ebook) lại càng dễ dàng bị làm giả, sao chép. Như vậy, khái niệm “sách giả” đã mở rộng khái niệm và cần phải tìm các giải pháp phù hợp để đối phó, ngăn chặn.

Cuốn sách bán chạy Muôn kiếp nhân sinh bị làm giả. Ảnh: First News.

Chế tài nào đủ sức ngăn chặn sách giả?

Việc xử lý vi phạm về sản xuất, in ấn, tiêu thụ sách giả đã được quy định trong Luật Bản quyền, Luật Xuất bản Việt Nam, Công ước Berne, Luật Hình sự. Tuy nhiên, các chế tài xử lý vẫn chưa đủ sức răn đe, đa số vẫn là phạt vi phạm hành chính.

So với mức thu lời lớn từ việc buôn bán sách giả, số tiền nộp phạt vi phạm hành chính là “chưa thấm vào đâu”.  

Theo lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, các đối tượng in, ấn phát hành xuất bản phẩm giả không phải đầu tư nguồn lực vào việc xây dựng nội dung, bản quyền, thuế, không nâng cao chất lượng giấy, công nghệ sản xuất… nên giá thành sản phẩm rất thấp. Khi bán ra, các đối tượng này sẽ để chiết khấu cao so với giá bìa để thu hút người mua.

Trước khi đợi các cơ quan chức năng có giải pháp mạnh tay hơn trong vấn đề này, các nhà xuất bản đã phải tự tìm hướng đi cho mình.

Công ty Nhã Nam đã triển khai nhiều chiến dịch truyền thông, lan tỏa thông điệp “Mua bán sách giả là giết chết sách thật”. 

Thông điệp nêu trên được in trên mỗi cuốn sách kèm với logo của Nhã Nam. Thậm chí, trên mỗi cuốn sách còn có hướng dẫn phân biệt sách thật/sách giả, địa chỉ mua sách thật để người đọc được rõ. 

Công ty Nhã Nam cũng vận hành tích cực và duy trì hoạt động của nhóm mạng xã hội facebook “Nhã Nam reading club” với mong muốn phát triển cộng đồng người đọc thông thái, sử dụng sách thật, chất lượng cao.

Các đơn vị khác như First News, Alpha Books, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Giáo dục cũng tích cực tuyên truyền, vận động người đọc sử dụng sách thật. Thậm chí, các nhà sách còn tích cực công bố địa chỉ rao bán sách giả để cảnh báo người dùng.

Tất nhiên, với nhiều giải pháp như trên của mỗi đơn vị xuất bản, hay của các cơ quan chức năng thì vấn nạn sách giả cũng chưa thực sự chấm dứt, khi mà ý thức của người tiêu dùng chưa thực sự nâng cao. Chưa kể, quy trình sản xuất sản phẩm vẫn còn nhiều “kẽ hở” để những đối tượng làm giả, in lậu có cơ hội tổ chức hoạt động làm giả một cách tinh vi, tránh được sự kiểm tra, phát giác của các cơ quan chức năng.

Dư luận cũng như các nhà xuất bản đang cần các cơ quan bảo vệ pháp luật mạnh tay hơn nữa trong việc xử phạt các hành vi làm giả, làm lậu các sản phẩm xuất bản thì mới đủ ngăn chặn vấn nạn này.