Vụ gần 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy: Lộ phương thức lừa đảo


(CHG) Vào tháng 3 vừa qua, vụ việc gần 100 container hạt điều bị lừa xuất khẩu sang Italy được dư luận rất quan tâm. Trong Hội thảo Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế, chiêu thức lừa đảo đã được tiết lộ.

Chiều 23/8, Hội thảo Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế đã được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức. Tại hội thảo, ông Bạch Khánh Nhựt (Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam) đã chia sẻ về sự việc 100 container hạt điều bị lừa xuất khẩu sang Italy.

 

Ông Bạch Khánh Nhựt tại hội thảo

Nguyên nhân bị lừa đảo xuất khẩu, ông Nhựt cho biết các doanh nghiệp hạt điều quá tin tưởng vào công ty môi giới mà bỏ qua công đoạn kiểm tra thông tin đối tác. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo đã "đánh" vào tâm lý của doanh nghiệp là thời điểm dịch bệnh khó tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu lớn, nên khi có đối tác đặt vấn đề về số lượng hàng chục container, các doanh nghiệp đã rất phấn khởi và bỏ qua các khâu kiểm tra.

Theo ông Nhựt, một dấu hiệu bất thường nữa là thị trường Ý trước đó nhập khẩu rất ít hạt điều Việt Nam, nhưng chỉ trong vài ngày đã có đối tác đề nghị ký hợp đồng xuất khẩu hàng chục container. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu vì mong muốn xuất được đơn hàng lớn mà thiếu cẩn trọng.

Thêm một dấu hiệu nữa là trong vụ lừa đảo này, đối tác nhập khẩu liên tục hối thúc các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cung cấp mã vận đơn, trong khi đây là thông tin cần bảo mật.

Ông Nhựt nhấn mạnh, trong kinh doanh quốc tế, vai trò của môi giới là rất quan trọng nhưng doanh nghiệp cần có sự kiểm tra đối tác một cách độc lập. Bên cạnh đó, cần cảnh giác với các dấu hiệu bất thường từ đối tác, mặc dù kẻ lừa đảo thường dùng các thủ đoạn rất tinh vi. Nên trao đổi thông tin với đồng nghiệp để phát hiện các dấu hiệu lừa đảo và cần nhanh chóng báo cáo, nhờ sự trợ giúp của hiệp hội ngành nghề khi xảy ra vụ việc.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cũng khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần nắm vững các vấn đề pháp lý để hạn chế rủi ro về tranh chấp, lừa đảo. Ông cũng nhấn mạnh đến yếu tố tìm hiểu thông tin đối tác thông qua Thương vụ Việt Nam tại các nước, qua kênh ngân hàng, các chuyên gia tư vấn.