(CHG) Chỉ số giá lương thực toàn cầu trong thời gian qua có thời điểm đã chạm ngưỡng cao nhất. Điều này mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất gạo tại châu Á, trong đó có Việt Nam.
Xuất khẩu gạo Việt Nam dự báo sẽ tăng vào cuối năm
Trong báo cáo tháng 8, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 xuống còn 512,4 triệu tấn, giảm 2,3 triệu tấn so với dự báo trước đó và giảm 1,2 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022 do sản lượng giảm tại Ấn Độ, Bangladesh và châu Âu.
Cùng với sản lượng giảm, USDA cũng cho biết, tồn kho cuối kỳ trong niên vụ 2022-2023 được điều chỉnh giảm 4,2 triệu tấn so với dự báo trước và giảm 3% so với niên vụ 2021-2023 xuống còn 178,5 triệu tấn và là năm sụt giảm thứ ba liên tiếp.
USDA nâng dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 lên mức kỷ lục 518,7 triệu tấn, tăng nhẹ 100.000 tấn so với dự báo trước và tăng hơn 2 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022. Tiêu thụ được báo sẽ tăng tại Bangladesh, Trung Quốc, Nepal, Nigeria, Philippines và Việt Nam.
USDA cũng sửa đổi ước tính tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 lên mức 516,7 triệu tấn, tăng 1,9 triệu tấn, tương ứng gần 3% so với năm trước đó và là mức cao kỷ lục thứ hai sau niên vụ 2022-2023.
Với thị trường Trung Quốc, mặc dù chính sách Zero- Covid của nước này đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng gạo nếp. Tuy nhiên, vào dịp cuối năm, lễ tết, nhu cầu gạo nếp tại thị trường Trung Quốc sẽ tăng.
Với thị trường EU, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine làm cho giá lương thực tăng cao. Trong khi đó, châu Âu và các quốc gia ở Nam Mỹ đang gặp tình trạng hạn hán khiến sản xuất nông nghiệp khó khăn. Để bù đắp phần thiếu hụt, các quốc gia châu Âu sẽ dịch chuyển sang mua của Việt Nam và các quốc gia sản xuất gạo.
TS. Nguyễn Đức Nghĩa - Nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam - dự báo, nhu cầu gạo những tháng cuối năm sẽ vẫn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, cần lưu ý, các địa phương, doanh nghiệp khuyến khích nông dân tổ chức sản xuất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên để người dân yên tâm sản xuất.