(CHG) Doanh nghiệp sản xuất phân bón DAP trong nước tiếp tục lên tiếng kiến nghị việc không tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón DAP.
Ảnh minh họa
Bộ Tài chính mới đây tiếp tục có công văn số 8437/BTC- CST xin ý kiến về một số nội dung tại dự thảo nghị định về biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu (lần 2).
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất phương án điều chỉnh thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón (ure, phân lân, supe lân, DAP, MAP... trừ phân bón NPK) là 5%. Riêng đối với phân bón NPK trong nước đã đáp ứng được nhu cầu và dư thừa nhiều phải xuất khẩu nên Bộ Tài chính quy định mức thuế xuất khẩu 0% để không ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Và các loại phân khoáng có mà HS 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 (trừ 3105.10.20) có mức thuế xuất khẩu là 5%.
Ông Vũ Văn Bằng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần DAP-Vinnachem cho biết, nếu áp mức thuế xuất khẩu phân bón 5% lên nhóm phân bón DAP, các đơn vị sản xuất DAP trong nước sẽ gặp khó khăn rất lớn. Nếu tăng thuế suất để hạn chế xuất khẩu thì sản xuất kinh doanh của công ty sẽ gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ.
Theo thống kê, do áp lực cạnh tranh lớn nên hàng năm lượng tiêu thụ sản phẩm của Công ty cổ phần DAP-Vinnachem ở thị trường trong nước chỉ đạt 49% công suất thiết kế nhưng cũng chỉ đạt vào những tháng vào vụ nông nghiệp. Để duy trì sản xuất ổn định, công ty bắt buộc phải xuất khẩu.
Nếu hạn chế xuất khẩu phân bón DAP thì giá thành sản xuất sẽ tăng lên (tác động của Luật thuế số 71/2014/QH13) rất khó để giảm giá phân bón trong nước, thậm chí giá bán có thể phải tăng thêm để bù đắp giá thành gia tăng.
Tình hình thế giới hiện nay đang khó khăn về khí đốt. Các nhà máy sản xuất phân bón ở châu Âu đã dừng sản xuất NH3 nên giá nguyên liệu cho sản xuất DAP sẽ tiếp tục tăng và có thể đứt gãy nguồn cung. Mùa đông, nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước cũng giảm nên doanh nghiệp cần phải xuất khẩu để ổn định sản xuất.