Thí điểm hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan


(CHG) Chính phủ, Bộ Tài chính và ngành Hải quan chủ trương khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan nhằm thực hiện các nghị quyết của Chính phủ hàng năm.

Ngày 16/9/2022, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức “Hội nghị triển khai và ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan”.

Ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Hội nghị giới thiệu các nội dung của Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan đến cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời tổ chức lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa cơ quan Hải quan và đại diện một số doanh nghiệp tham gia chương trình.

Mục tiêu của chương trình hướng đến là sau 2 năm triển khai, tất cả doanh nghiệp tham gia chương trình từng bước cải thiện mức độ tuân thủ (80% mức tuân thủ trung bình và cao).

Cơ quan Hải quan sử dụng chính những kết quả đó cũng như chính các doanh nghiệp tham gia chương trình là những tuyên truyền viên để giúp các doanh nghiệp còn lại ý thức tốt hơn trong việc tự nguyện tuân thủ pháp luật.

Việc tham gia chương trình đem lại lợi ích và nghĩa vụ cho doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan hải quan và cơ quan quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp.

Cục Quản lý rủi ro là đơn vị đầu mối phối hợp với các vụ/cục thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan cũng như các ban của VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp kịp thời tổng hợp các vướng mắc, hướng dẫn chi tiết cụ thể, điều phối chung để chương trình đạt được mục tiêu đề ra.

Có khoảng hơn 266 doanh nghiệp tham gia chương trình gồm đầy đủ các loại hình: Nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các loại hình kinh doanh xuất nhập khẩu.

USAID tại Việt Nam cho biết, dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ với tổng vốn hơn 21,7 triệu USD có thời gian thực hiện trong 5 năm (2018-2023) nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam áp dụng cách tiếp cận dựa trên quản lý rủi ro đối với thủ tịch hải quan và kiểm tra chuyên ngành. Từ đó tăng cường việc thực thi Hiệp định thương mại tự do của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).