Giá lúa gạo ngày 19/9: Triển vọng từ thị trường xuất khẩu gạo


(CHG) Từ khi Ấn Độ áp thuế và tạm dừng xuất khẩu gạo tấm để đảm báo an ninh lương thực trong nước đã khiến thị trường gạo thế giới biến động mạnh. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong tuần qua. Giá gạo xuất khẩu tăng khiến doanh nghiệp thu mua lúa của nông dân với giá cao hơn.

Hôm nay 19/9, giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long không có biến động so với cuối tuần trước. Hiện lúa IR 504 đang được thương lái thu mua ở mức 5.400 - 5.600 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 5.600 - 5.800 đồng/kg; Nàng hoa 9 duy trì ở mức 5.600 - 5.800 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.500 - 5.600 đồng/kg; OM 18 5.700 - 5.900 đồng/kg; IR 504 khô ở mức 6.500 đồng/kg.

Giá lúa nếp An Giang tươi 5.900 - 6.100 đồng/kg, khô 7.500 - 7.600 đồng/kg; lúa nếp Long An tươi 6.200 - 6.500 đồng/kg, khô 7.700 đồng/kg.

Giá lúa gạo ngày 19/9: Triển vọng từ thị trường xuất khẩu gạo

Sau nhiều phiên điều chỉnh tăng của tuần trước, giá gạo nguyên liệu và thành phẩm chững lại. Theo đó, giá gạo nguyên liệu và thành phẩm IR 504 lần lượt ở mức 8.300 – 8.350 đồng/kg và 8.950 - 9.050 đồng/kg. Giá các mặt hàng phụ phẩm cũng duy trì ổn định: Tấm ở mức 8.400 - 8.500 đồng/kg, cám khô 8.000 - 8.200 đồng/kg.

Giá gạo tại các chợ lẻ: Gạo thường 11.500 đồng/kg - 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 - 16.000 đồng/kg; Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 - 15.000 đồng/kg; Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm Thái hạt dài 18.000 - 19.000 đồng/kg; Hương Lài 19.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 - 8.000 đồng/kg.

Thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 400 USD/tấn, gạo 25% tấm và 100% tấm giữ ổn định ở mức 378 USD/tấn và 383 USD/tấn.

Từ khi Ấn Độ áp thuế và tạm dừng xuất khẩu gạo tấm để đảm báo an ninh lương thực trong nước đã khiến thị trường gạo thế giới biến động mạnh. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong tuần qua. Giá gạo xuất khẩu tăng khiến doanh nghiệp thu mua lúa của nông dân với giá cao hơn. Từ đó, thị trường trong nước cũng sôi động hơn.

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo tấm và gạo dài không thơm của nước ta sang thị trường châu Phi và Trung Quốc tìm kiếm thêm được khách hàng mới. Vì từ trước tới nay, gạo Ấn Độ luôn khá cạnh tranh với gạo Việt Nam ở phân khúc thị trường này. Thậm chí, trước diễn biến mới, nhiều doanh nghiệp gạo Việt Nam đang ngưng chào bán do dự báo giá sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.