Kỳ 2: Đẩy mạnh đấu tranh, triệt phá các đường dây buôn lậu đường cát


(CHG) Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa ban hành Kế hoạch 92/KH-BCĐ389 ngày 13/9/2022 về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa. Kế hoạch 92/KH-BCĐ389 đã nhấn mạnh việc xây dựng kế hoạch đấu tranh, triệt phá các đường dây buôn lậu, nhất là mặt hàng đường cát đang diễn biến phức tạp tại các khu vực biên giới.

 

Lực lượng chức năng An Giang bắt giữ tàu chở đường cát nhập lậu.

Đường cát nhập lậu tăng gấp đôi

Năm 2021, với các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid- 19 nên đường cát nhập lậu qua biên giới giảm mạnh. Nhưng từ đầu năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, tình hình nhập lậu đường cát diễn biến phức tạp và tăng mạnh. 

Theo ông Nguyễn Văn Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), so với năm 2021 thì lượng đường nhập lậu vào Việt Nam được đánh giá đã tăng gấp đôi, gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất của ngành đường trong nước. 

Số liệu được VSSA công bố ngày 13/9 cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2022 đã có khoảng trên 441.219 tấn đường nhập lậu từ Campuchia và Lào về Việt Nam, tăng gấp đôi năm ngoái. Đường nhập lậu đều là mặt hàng sản xuất tại Thái Lan, được đi vòng qua Campuchia hoặc Lào để tuồn qua biên giới vào Việt Nam.

Bước sang tháng 8/2022, tình hình buôn lậu đường cát về Việt Nam vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khi nhiều vụ việc gian lận thương mại nhập lậu đã bị phát hiện và xử lý theo quy định pháp luật tại các địa phương trên toàn quốc. 

Điển hình là vụ việc xảy ra sáng ngày 16/08, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT Phú Yên phối hợp với Phòng PC08 Công an tỉnh Phú Yên cũng đã dừng và khám hai ô tô tải đang lưu hành theo hướng Bắc - Nam. Lực lượng chức năng phát hiện trên xe ô tô BKS 49H-007.92 có 34 tấn đường cát, còn xe ô tô BKS 37H-014.82 có 45 tấn đường cát. Toàn bộ 79 tấn đường cát được đóng bao loại 50 kg/bao, trên bao bì có in chữ nước ngoài.

Chiều 25/8, Đội Quản lý thị trường số 1 Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình phối hợp với Trạm cảnh sát giao thông Tam Điệp - Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Ninh Bình đã dừng và khám phương tiện vận tải mang BKS 73C-034.05 đang lưu thông từ Quảng Bình ra Hà Nội.

Lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển 400 bao đường kính loại 50 kg/bao, tương đương 20 tấn. Số hàng gồm 260 bao mang nhãn hiệu GOLDEN CANE SUGAR và 140 bao mang nhãn hiệu REFINED SUGAR, do nước ngoài sản xuất, trên bao bì sản phẩm không ghi đủ các nội dung bắt buộc theo quy định về ghi nhãn hàng hóa.

Ngày 4/9, Đội QLTT số 1 Cục QLTT Quảng Trị phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông số 1 thuộc Phòng Cảnh sát giao tỉnh Quảng Trị tiến hành dừng, khám xét xe tải mang BKS 50H-128.XX đã phát hiện trên ô tô này có 7.000 kg đường cát trắng loại 50 kg/bao; ngày sản xuất AUG 2022, hạn sử dụng AUG 2024 do Thái Lan sản xuất.

Mới đây, ngày 12/9/2022 khi đang làm nhiệm vụ trên tuyến quốc lộ 62 (thuộc địa bàn xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, Long An), đoàn công tác của Đội QLTT số 2 Cục QLTT Long An phát hiện xe ô tô tải BKS 62H-027.42 đậu ven quốc lộ có dấu hiệu bất thường.

Tiến hành kiểm tra, đoàn công tác phát hiện 110 bao đường cát (loại 50kg/bao), tương đương 5.500kg. Trên vỏ bao đường cát in nhãn bằng tiếng nước ngoài.  Thời điểm kiểm tra, người trông giữ số hàng cũng là tài xế điều khiển phương tiện Nguyễn Thanh Nhàn không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.

Đoàn công tác Đội QLTT số 2 đã lập quyết định tạm giữ phương tiện, tang vật đưa về trụ sở để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định pháp luật. Được biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Đội Quản lý thị trường số 2 đã phát hiện, xử lý 3 trường hợp vận chuyển đường cát do nước ngoài sản xuất nhập lậu. Xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 130 triệu đồng và tịch thu 9.950 kg đường cát. 

Theo lực lượng quản lý thị trường, việc buôn lậu đường cát đang diễn biến phức tạp. Các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng sơ hở của lực lượng chức năng khi tuần tra, kiểm soát, thuê một số cư dân địa phương mang, vác hàng hóa qua biên giới, sau đó nhanh chóng tập kết đưa lên xe ô-tô vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. 

Tình trạng buôn lậu đường không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn làm ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách của Nhà nước, đồng thời khiến cho ngành đường nội địa bị “bóp nghẹt” bởi đường nhập lậu phá giá, làm cho đường sản xuất trong nước không tiêu thụ được.

Lực lượng QLTT Phú Yên tạm giữ 79 tấn đường cát lậu đang trên đường tiêu thụ.

Chặn buôn lậu đường cát những tháng cuối năm

Theo đánh giá của lực lượng QLTT, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu đường là lợi dụng sở hở của lực lượng chức năng khi tuần tra, kiểm soát, rồi thuê một số cư dân địa phương vận chuyển, vác hàng hoá qua biên giới. Sau đó tập kết lên xe ô tô di chuyển vào nội địa tiêu thụ.

Quá trình vận chuyển, các đối tượng thuê người canh đường, cảnh giới rất chặt chẽ. Người dân khu vực biên giới còn hạn chế về trình độ nhận thức nên dễ bị đối tượng lôi kéo, lợi dung để tham gia, tiếp tay buôn lậu đường cát.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng thư ký VSSA chia sẻ, tình trạng buôn lậu đường không chỉ vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách của nhà nước mà còn khiến cho ngành đường sản xuất trong nước khó tiêu thụ, lượng tồn kho, chi phí tài chính tăng đến mức doanh nghiệp phải cắt lỗ dưới giá thành.

Để ngăn chặn đường nhập lậu, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh phía Nam tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên các lĩnh vực quản lý. Đặc biệt công tác chống buôn bán vận chuyển mặt hàng đường cát nhập lậu nhằm ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp kinh doanh chân chính và quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng thời, ngành hải quan đã và đang triển khai nhiều giải pháp đấu tranh, trong đó đề xuất dán tem truy xuất nguồn gốc. Tổng cục Hải quan cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác kiểm tra đối với mặt hàng đường mía nhập khẩu, kiểm soát ngăn chặn, phát hiện các hành vi quay vòng tờ khai nhập khẩu.

Mới đây, ngày 13/9/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh – Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa ký ban hành Kế hoạch 92/KH-BCĐ389 tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa. Nội dung Kế hoạch 92/KH-BCĐ389 đã nhấn mạnh việc xây dựng kế hoạch đấu tranh, triệt phá các đường dây buôn lậu, trong đó có mặt hàng đường cát.

Theo đó Ban chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng nắm tình hình, trao đổi, chia sẻ thông tin, thường cuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát các tuyến biên giới, vùng biển để phát hiện, xử lý kịp thời hành vi xuất nhập cảnh trái phép, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; tập trung đấu tranh đối với các mặt hàng trọng điẻm như ma tuý, vũ khí, pháo nổ, vật liệu nổ, thuốc lá, động vật hoang dã, xăng dầu, khoáng sản, kim khí quý, đá quý, đường cát, rượu, bia, hàng tiêu dùng...

Lực lượng Cảnh sát biển tuần tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu, tạm nhập - tái xuất, quá cảnh, vận chuyển hàng hoá để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các vùng biển của Việt nam, tập trung các mặt hàng trọng điểm như ma tuý, pháo nổ, vật liệu nổ, thuốc lá, xăng dầu, khoáng sản, đường cát, hàng tiêu dùng...

Đối với Ban chỉ đạo 138 Bộ Công An chỉ đạo lực lương Công an toàn quốc tăng cường nắm tình hình, xây dựng kế hoạch đấu tranh, triệt phá các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là đối với các loại mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thép, linh kiện điện tử, gỗ và sản phẩm từ gỗ, dược phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, bia, thuốc lá, đường cát, phân bón...và các loại hàng cấm, hàng hoá gian lận xuất xứ...

Với sự chỉ đạo sát sao Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thông qua Kế hoạch 92/KH-BCĐ389, các cơ quan chức năng các cấp tại địa phương đã có thêm công cụ đểxây dựng kế hoạch đấu tranh, triệt phá các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhất là đối với mặt hàng đường cát đang có dấu hiệu tăng mạnh vào những tháng cuối năm.

(Còn tiếp)