(CHG) Ban Quản lý dự án 2 khởi công tuyến đường nối Lai Châu vào cao tốc Hà Nội - Lào Cai dài 147km. Đây là tuyến đường bộ quan trọng với sự phát triển kinh tế của các tỉnh Lai Châu, Lào Cai.
Ảnh minh họa
Sáng ngày 19/9, Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) đã triển khai xây dựng theo gói thầu XL01 đoạn nút giao IC16-tỉnh Lai Châu đến Khánh Yên, tỉnh Lào Cai (Km00+000 – Km18+500). Gói thầu XL01 cũng là một trong 3 gói thầu (XL01, XL02, XL03) thuộc tuyến nối Lai Châu – cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi qua địa phận tỉnh Lào Cai.
Theo thiết kế, tuyến kết nối thuộc gói thầu XL01 được đầu tư với quy mô cấp III miền núi, tốc độ thiết kế 60km/h. Quy mô mặt cắt ngang được thiết kế với bề rộng mặt đường 6m, bề rộng nền đường 9m. Tại một số đoạn, bề rộng mặt đường là 9m (có làn phụ leo dốc) và bề rộng nền 10m.
Theo phương án được duyệt, gói thầu XL01 có tổng giá trị hợp đồng hơn 474 tỷ đồng, được thi công trong 30 tháng.
Hiện nay, ở khu vực Tây Bắc, ngoài cao tốc Nội Bài - Lào Cai có quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật của đường cấp cao, còn lại các tuyến đường khác cấp đường đều thấp (kể cả quốc lộ), chỉ đạt tiêu chuẩn đường cấp V-IV miền núi.
Vì vậy, việc lưu thông giữa các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Lai Châu với khu vực đồng bằng, cảng biển và ngược lại gặp nhiều khó khăn, làm giảm khả năng phát triển kinh tế - xã hội, du lịch...
Riêng Lai Châu, việc kết nối giao thông giữa địa phương này với các tỉnh khác chủ yếu thông qua 2 tuyến quốc lộ chính là QL4D và QL32 có quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp IV-V miền núi.
Trong đó, QL32 hiện tại đã xuống cấp và thường xuyên bị ách tắc, khả năng thông hành kém. QL4D thường xảy ra tình trạng sương mù, tầm nhìn hạn chế, đặc biệt về mùa đông thường xuyên xảy ra tình trạng băng tuyết trên đeo Ô Quý Hồ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nghiem trọng.
Do đó, việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối các tỉnh miền núi phía bắc với cao tốc Nội Bài –Lào Cai, trong đó có đoạn tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài – Lào Cai là cần thiết, góp phần tạo động lực phát triển tiềm năng về du lịch, văn hóa, khoáng sản tại vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng.