Bảo hộ thương hiệu của doanh nhân Việt còn nhiều rào cản?


(CHG) Thực tế hàng hóa của Việt Nam còn gặp nhiều rào cản trong việc chấp hành các tiêu chuẩn và quy định về xuất khẩu hay giấy tờ, thủ tục. Bảo hộ thương hiệu cũng đang là vấn đề nhức nhối với các doanh nghiệp Việt.

 

Ảnh minh họa

Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, ngành thương mại điện tử Việt Nam đã có giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ lên tới 20%. Theo báo cáo của Amazon cùng Công ty nghiên cứu AlphaBeta, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam hiện nay có giá trị khoảng 3 tỷ USD, nhưng mới chỉ chiếm 1% so với doanh thu xuất khẩu, cho thấy lĩnh vực này còn đang có nhiều tiềm năng phát triển. Nghiên cứu này cũng ước tính doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam sẽ đạt 11 tỷ USD vào năm 2026.

Theo thống kê của Amazon Global Selling, có 5 danh mục mà người bán hàng Việt Nam đang kinh doanh rất hiệu quả, đó là đồ gia dụng, sản phẩm nhà bếp, quần áo, thời trang, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và chăm sóc cá nhân, các công cụ dùng để sửa nhà và các tiện ích nhỏ trong nhà.

“Lợi thế riêng của Việt Nam và các sản phẩm đến từ Việt Nam thân thiện với môi trường, có thiết kế độc đáo và khác biệt so với sản phẩm của các nước khác. Hy vọng trong tương lai sẽ có một số thay đổi trong sản phẩm để có thêm nhiều người Việt có thể ra mắt thành công trên amazon.com”, ông Seong nói.

Thực tế, hàng hóa của Việt Nam còn rất nhiều rào cản trong việc chấp hành các tiêu chuẩn và quy định, như quy định về xuất khẩu hay giấy tờ, thủ tục. Bảo hộ thương hiệu cũng đang là một vấn đề nhức nhối với các doanh nghiệp Việt. 

Ông Seong nhấn mạnh, trên Amazon có hàng tỷ sản phẩm do đó việc sao chép và bán hàng giá rẻ sẽ không có sức hấp dẫn đối với khách hàng, cũng khó để cạnh tranh. Việc người bán biết cách bảo vệ khách hàng, bảo vệ thương hiệu, đáp ứng tiêu chuẩn của các quốc gia sẽ làm tăng niềm tin của khách, từ đó phát triển toàn bộ hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.

Ngoài ra, thương mại điện tử chứa rất nhiều dữ liệu. Đây là điểm khác biệt và cũng là lợi thế vô cùng lớn so với kinh doanh truyền thống. Thay vì phải khảo sát hàng quý hay năm để có dữ liệu khi kinh doanh ngoại tuyến, những nhà bán hàng ngày nay có được phản hồi của khách hàng trong thời gian thực ở mọi nơi trên thế giới.

Chính bởi lợi thế này, thương mại diện tử đang mang lại cơ hội như nhau cho các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn, dù họ đến từ Việt Nam hay Mỹ hay bất cứ quốc gia nào. Nó mang lại cơ hội bình đẳng, trang bị cho người bán những công cụ, công nghệ, dữ liệu tương tự nhau. Tại Việt Nam, sản phẩm của những thương hiệu lớn như gốm Minh Long, cà phê Trung Nguyên, hay các sản phẩm nhỏ như: mũ bảo hiểm, thiệp 3D, hạt điều… đều đã và đang được bán thành công trên nền tảng Amazon.