Kỳ 2: Nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng


(CHG) Việc xâm phạm sở hữu trí tuệ thường xuyên diễn ra, đang cần sự chung tay ngăn chặn vi phạm. Việc nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng, sẽ tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút nhà đầu tư phát triển kinh tế xã hội.

 

Ảnh minh họa

Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn quan trọng đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ như: Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030… Gần đây nhất, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua với số phiếu nhất trí cao.

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực đối với việc thực thi pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức…

Theo đại diện Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, số lượng các vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tăng ở 2 lĩnh vực là tên miền và mua bán trên mạng. Đây là những khó khăn chung không phải của riêng Việt Nam mà cả thế giới. Ở Việt Nam vấn đề này trở nên khó khăn hơn, do việc xử lý chủ yếu bằng biện pháp hành chính, tòa án thụ lý rất ít những vụ việc vi phạm trong lĩnh vực này. 

Một khó khăn nữa là ở Việt Nam, việc xử lý hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phải qua nhiều cơ quan mới thực hiện được, ảnh hưởng đến thời gian xử lý các vụ vi phạm.

Các chuyên gia đề xuất, để nâng cao việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung và trên không gian mạng nói riêng, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ. Tham khảo, học tập kinh nghiệm của các quốc gia hàng đầu về thực thi quyền sở hữu trí tuệ như: Mỹ, Anh… Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Chính phủ, bộ, ngành, hiệp hội và người tiêu dùng. Nâng cao trình độ cho các cán bộ thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Đồng thời, hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ cần phải được xử lý nghiêm khắc, nhằm ngăn chặn các đối tượng sau khi bị xử phạt vẫn tiếp tục tái diễn. Theo quy định sở hữu trí tuệ, hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ sẽ xử phạt hành chính, thậm chí là hình sự, tùy vào mức độ vi phạm.

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2009 đã đưa ra các hình thức xử phạt hành chính rất cụ thể, bao gồm phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu hàng hóa giả mạo, nguyên vật liệu, phương tiện được sử dụng để kinh doanh hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ; đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Hàng hóa giả mạo, nguyên vật liệu, phương tiện sản xuất kinh doanh buộc phải tiêu hủy, phân phối hoặc sử dụng không nhằm mục đích thương mại hay ảnh hưởng đến quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể.

Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hóa quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa giả mạo, phương tiện, nguyên vật liệu nhập khẩu sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hóa.

 

Nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng. Ảnh minh họa.

Tại buổi Tọa đàm khoa học “Chuyển đổi số: Phòng chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trong giao dịch thương mại điện tử”, do Viện Kỹ thuật chống hàng giả tổ chức, TS. Khổng Quốc Minh, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ: Chuyển đổi số càng thúc đẩy gần như mọi hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra trên internet nhiều hơn, thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử. Điều này làm các tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử gia tăng. 

Để giảm các tranh chấp này, doanh nghiệp cần nhận diện rõ các dạng tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ thường gặp, qua đó thực hiện các biện pháp bảo vệ và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Việc nhận diện và đưa ra giải pháp liên quan đến tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử của nhóm chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử  với tư cách người bán và hoạt động thương mại dựa trên dịch vụ trung gian trên internet (mạng xã hội và sàn thương mại điện tử).

Với tư cách người bán, một tổ chức, cá nhân thường chỉ có hai lựa chọn: (i) tự mình tạo lập sự hiện diện thương mại trên mạng viễn thông (thường là qua website trên mạng internet), giới thiệu hàng hóa/dịch vụ mà mình muốn cung cấp cũng như xúc tiến các giao dịch thương mại điện tử liên quan. Hoặc (ii) thiết lập sự hiện diện thương mại trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử do tổ chức, cá nhân khác tạo lập và kinh doanh - nơi có sự hiện diện của nhiều người bán.

Để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, tại Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó mục tiêu quan trọng của chiến lược này là “Hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ được nâng cao rõ rệt, tình trạng xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ giảm đáng kể”. Chiến lược sở hữu trí tuệ đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt được mục tiêu, từ các giải pháp về chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy, nguồn lực… đến các hoạt động hỗ trợ.

Dù đã có các biện pháp để ngăn chặn hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ và hình thức xử lý, song tình trạng xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ vẫn đang còn diễn ra phức tạp. Doanh nghiệp, người tiêu dùng cần phối hợp cùng cơ quan chức năng để chung tay ngăn chặn tình trạng này một cách triệt để.

Hình thức xử lý hình sự (theo Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009)

1. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

Hành vi sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình; Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình. Không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm. Phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần thì bị phạt từ 400 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ 50 triệu - 100 triệu đồng, hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm. Phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần thì bị phạt tiền từ 400 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.