Ngành thực phẩm nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu


(CHG) Ngành lương thực thực phẩm xuất khẩu của nước ta tăng trưởng tốt trở lại sau tác động của đại dịch Covid-19. Hiện, Việt Nam đã xuất khẩu các mặt hàng nông - thủy sản, thực phẩm chế biến đến hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ và là đối tác thương mại của nhiều nước lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,…

Ngành thực phẩm tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh minh hoạ.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng lương thực thế giới bị đứt gãy, cùng với đó Việt Nam cũng đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt tăng cường mở rộng giao thương, hợp tác với những khách hàng lớn với các yêu cầu tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao nhất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm Việt và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm của thế giới.

Ông Trần Phú Lữ - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết, riêng TP. Hồ Chí Minh, ngành chế biến lương thực thực phẩm là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của thành phố, chiếm 13,78% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp 13,69% giá trị giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp. 

Ngành chế biến lương thực thực phẩm thành phố đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu, nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước, thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất sang nhiều nước trên thế giới. 

Tuy nhiên, dưới tác động nặng nề của dịch Covid- 19, ngành chế biến lương thực thực phẩm thành phố đã gặp nhiều khó khăn từ sự đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu, hệ thống phân phối bị gián đoạn cho đến logistics, hậu cần và nhân lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vì vậy, để ngành chế biến lương thực, thực phẩm tiếp tục phát huy và giữ vững vai trò là một ngành sản xuất chủ lực, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình “hỗ trợ phát triển doanhnghiệp và sản phẩm ngành chế biến lương thực, thực phẩm TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030”. 

Đây được xem như một trong những chương trình đột quá để thành phố tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực đầu tư phát triển. UBND thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm thành phố vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh và quay trở lại tăng trưởng khả quan.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến lương thực , thực phẩm Việt Nam tăng gàn 9 % so với cùng lỳ năm 2021. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành lương, thực phẩm 8 tháng đầu năm tăng 26,87% trong đó chế biến thực phẩm tăng 11, 9%.

Nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng mạnh trở lại, đưa mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ phục hồi và tăng trưởng mạnh, kéo theo đó doanh thu bán lẻ hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng tăng trưởng mạnh. Trong 8 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, nhóm ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 12%.

Tại TP Hồ Chí Minh , doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 23,8% trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 16,8%, chỉ số tiêu thụ công nghiệp ngành lương thực, thực phẩm tăng 7,82% và tiêu thụ đồ uống 52,5%. Hoạt động XNK hàng hóa tiếp tục khẳng định vị trí là trụ cột của nền kinh tế khi liên tục duy trì tăng trưởng tốt. trong 8 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 36,3 tỷ USD( tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó nhều sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao như cà phê, cao su, gạo, hồ tiêu, sữa và sản phẩm sữa, thịt và phụ phẩm thịt, các tra, tôm,…

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội lương thực, thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay các nước đặt ra các rào cản kỹ thuật rất khắt khe là thách thức lớn đối với xuất khẩu Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm chế biến. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt phải đổi mới sáng tạo, thay đổi công nghệ, chuyển đổi số, truy suất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm, đưa văn hóa bản địa vào sản phẩm để thích ứng với yêu cầu từ các thị trường xuất khẩu.

Việt Nam cần chủ động được nguồn nguyên liệu ngay tại chỗ và hy vọng lĩnh vực này sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Bởi, ngành nguyên liệu thực phẩm được xem như ngành công nghiệp phụ trợ, thế mạnh và được Chính phủ rất ủng hộ.