Kỳ 2: Trở thành quốc gia số để bước ra toàn cầu


(CHG) Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã và đang được triển khai rộng khắp, với mục tiêu kép được xác định: Vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có đủ năng lực bước ra toàn cầu.

Chuyển đổi số để tồn tại và phát triển 

Chuyển đổi số đang ngày một thay đổi nhận thức của các nhà lãnh đạo, những người có khả năng quyết định hướng đi và khả năng chuyển đổi thành công của tổ chức. 
Bộ máy chính quyền của nhiều quốc gia sau khi nhận ra tầm quan trọng của chuyển đổi số, trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo an ninh quốc gia đã lập tức bước vào “cuộc đua” mới trong việc áp dụng chuyển đổi số.
Trước đây, các công nghệ kiểu cũ chỉ có ở các công ty lớn, có rất nhiều tiềm lực kinh tế mạnh mới có thể tiếp cận được công nghệ đó. Do vậy, những doanh nghiệp này luôn dẫn đầu thị trường. Nhưng với bước tiến như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bất cứ công ty nhỏ hay mới startup, đều có thể tiếp cận được công nghệ không thua kém gì những công ty lớn.
Theo nghiên cứu của Microsoft tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, năm 2017, tác động chuyển đổi số mang lại cho GDP khoảng 6%, năm 2019 là 25% và tới năm 2021 là 60%.
Kết quả nghiên cứu của McKensey chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, Brazil là 35%, một số nước châu Âu khác là khoảng 36%. Từ đây, có thể thấy khả năng tác động của chuyển đổi số đối với tăng trưởng GDP là rất lớn.
Tốc độ chuyển đổi số tại các khu vực và quốc gia là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ phát triển công nghệ và tốc độ chuyển đổi mô hình doanh nghiệp. Trong đó, khu vực châu Âu được đánh giá là khu vực có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất, tiếp đến là Mỹ và quốc gia tại châu Á.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong cuộc đua chuyển đổi số. Tại Việt Nam, các mô hình chuyển đổi số cũng đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân, tận dụng được một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi của xã hội.
Tuy nhiên, loại hình kinh tế này cũng tạo ra những xung đột với các mô hình kinh doanh truyền thống. Thế mạnh công nghệ mới đang giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp giành lợi thế trước các doanh nghiệp sản xuất truyền thống. Xu thế này tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. 
Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh nền kinh tế số đang tiến như vũ bão hiện nay, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình sản xuất truyền thống phải có sự thay đổi kịp thời để tiếp tục tồn tại và phát triển.
Với dân số 96 triệu người và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh trong khu vực, dân số trẻ năng động và có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng, các chuyên gia đánh giá Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi số. Đây là những cơ hội mạnh mẽ để các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra sự đột phá trên thị trường nhờ vào chuyển đổi số.
Sự thay đổi to lớn về năng suất lao động, trải nghiệm của người dùng và các mô hình kinh doanh mới đang được hình thành, cho thấy vai trò và tác động to lớn trong cuộc sống xã hội hiện nay của chuyển đổi số, nó tác động đến mọi ngành nghề, như công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ kinh doanh. 
Với thành công của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số hiện đang là xu hướng tất yếu, là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới.

 
Ảnh minh họa.
Đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi số
Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 mang lại, ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, ngày 03/06/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Theo đó, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực tiến bước ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng...
Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế, xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Chuyển đổi số giáo dục sẽ đổi mới cách thức giảng dạy truyền thống, hướng tới phổ cập hóa và cá nhân hóa dịch vụ học tập suốt đời tới từng người học.
Chuyển đổi số y tế sẽ cho phép người dân, thông qua các nền tảng số tiếp cận với dịch vụ y tế tốt nhất 24/7 từ những bác sỹ giỏi nhất, giải quyết vấn đề giảm tải cho các cơ sở y tế. 
Chuyển đổi số không phải là cuộc cách mạng của công nghệ, mà là cuộc cách mạng của thể chế. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới: Công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới. Chỉ có đổi mới sáng tạo, Việt Nam mới thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. 
Địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi quốc gia. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương.
Chuyển đổi số còn là cuộc cách mạng toàn dân. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. 
Chuyển đổi số mang trong mình sứ mệnh lớn, đó là phổ cập và cá nhân hóa các dịch vụ (như giáo dục, y tế...) tới từng người dân, để phục vụ người dân tốt hơn. Chuyển đổi số tạo ra cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng và nhân văn rộng khắp để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
(Còn tiếp)