Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD


( CHG) Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, ngành nông nghiệp đang bứt tốc trong những tháng cuối năm, phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt 55 tỷ USD, cao hơn Chính phủ giao 5 tỷ USD.
Ngành nông nghiệp quyết tâm đạt mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD. Ảnh minh họa. 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 74,7 tỷ USD, tăng 10,7%. Trong đó xuất khẩu khoảng 40,8 tỷ USD tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu khoảng 33,9 tỷ USD, tăng 5,7%; xuất siêu khoảng 6,9 tỷ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Về xuất khẩu, nhóm nông sản chính trên 16,8 tỷ USD tăng 7,5%; lâm sản chính khoảng 13,3 tỷ USD, tăng 10,8%; thủy sản trên 8,5 tỷ USD tăng 38,0%; chăn nuôi 265,5 triệu USD, giảm 18,4%.
Đến nay, có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ). Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước như: Cà phê đạt 3,1 tỷ UDS (tăng 37,6%); cao su đạt trên 2,3 tỷ USD (tăng 7,8%); gạo đạt trên 2,6 tỷ USD (tăng 9,3%); hồ tiêu đạt khoảng 774 triệu USD (tăng 7,7%); cá tra đạt trên 1,9 tỷ USD (tăng 83,3%); tôm đạt gần 3,5 tỷ USD (tăng 24,8%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12,4 tỷ USD (tăng 11,4%); phân bón các loại 900 triệu USD (tăng 170,4%) và thức ăn gia súc đạt 861 triệu USD (tăng 9,7%).
Về thị trường xuất khẩu, 9 tháng năm 2022, các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 43,7% thị phần), châu Mỹ  (28,3%), châu Âu ( 11,6%), châu Đại Dương (1,7%) và châu Phi (1,7%).
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt trên 10,5 tỷ USD ( chiếm 25,8% thị phần) đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 7,4 tỷ USD (chiếm 18,2% thị phần). Thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 3,1 tỷ USD (chiếm 7,6%). Thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu trên 1,9 tỷ USD (chiếm 4,7%).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp 4597 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu tại 54 tỉnh, thành phố. Và 1419 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tưới (thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh, chanh không hạt,nhãn, vải, ớt, thạch đen…) được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Việt Nam đã ký 2 Nghị định thư về xuất khẩu chanh dây và sầu riêng với Trung Quốc. Đã có 25 mã số cơ sở đóng gói và 51 vùng sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt. Trong tháng 9, Việt Nam đã xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong những tháng cuối năm 2022, toàn ngành sẽ nỗ lực để cả năm đạt tốc độ tăng trưởng GDP 2,8 đến 3,0% (Chính phủ giao 2,5-2,8%); tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 khoảng 55 tỷ USD (cao hơn chính phủ giao 5 tỷ USD).
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ động cùng Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường, đánh giá tác động và tham mưu Thủ tướng Chính phủ có đối sách, kịch bản thích ứng diễn biến, cung- cầu nông lâm thủy sản trên thế giới, nhất là đối với hàng lương thực thực phẩm, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.
Tăng cường hợp tác quốc tế, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường xuất khẩu và hài hòa hóa tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế lĩnh vực an ninh lương thực. 
Tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến sâu nông lâm thủy sản, xây dựng các vùng nguyên liệu thực hiện chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc. Thực hiện chủ động về nguyên liệu, chế biến và làm tốt công tác thị trường, thực hiện tốt đồng bộ 3 yếu tố trên, để quyết tâm đạt mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD nông lâm thủy sản trong năm nay.