Kỳ 9: Chống thất thu thuế trên thương mại điện tử của ngành bán lẻ


(CHG) Chuyển đổi số ngành bán lẻ thực chất là chuyển đổi cách thức vận hành, bán hàng, quản lý doanh nghiệp bán lẻ từ hình thức bán hàng truyền thống sang môi trường ứng dụng công nghệ kỹ thuật số hiện đại và trải nghiệm cho người dân. Tuy nhiên việc thất thu thuế trên thương mại điện tử của ngành bán lẻ cần được xử phạt nghiêm và kiên quyết hơn nữa.
Lợi ích của chuyển đổi số ngành bán lẻ
Bán lẻ là việc mua sản phẩm từ những nhà sản xuất, nhà bán buôn, công ty bán lẻ và bán lại cho người tiêu dùng cuối cùng. Thị trường bán lẻ liên tục thay đổi linh hoạt theo thói quen và sức mua của người tiêu dùng. Trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, người tiêu dùng có xu hướng chuyển từ mua sắm trực tiếp tại điểm bán hàng sang hình thức mua trực tuyến qua internet thông qua các kênh thương mại điện tử. 
Với cách thức đó, hình thức thanh toán bằng tiền mặt dần được thay thế bằng hình thức thanh toán điện tử qua thẻ ngân hàng, dịch vụ internet banking hoặc sử dụng các ví điện tử...
Như vậy, chuyển kênh bán hàng truyền thống sang kênh bán hàng trực tuyến chính là chuyển đổi số. Toàn bộ quy trình giao dịch đều thực hiện bằng các phương tiện dịch vụ số như thanh toán điện tử, dịch vụ giao nhận hàng trực tuyến, tích điểm tiêu dùng, khuyến mãi... Quy trình quản trị và chăm sóc khách hàng cũng được thực hiện tự động bằng các ứng dụng công nghệ thông tin như sử dụng dữ liệu điện toán đám mây, phần mềm quản lý – chăm sóc khách hàng tự động.
Bên cạnh đó, ứng dụng giải pháp công nghệ để quản trị và vận hành doanh nghiệp: Sử dụng những phần mềm cung cấp giải pháp quản lý hàng hóa, bán hàng tự động, quản lý nhân sự, tài chính, hoạt động marketing...
Với việc ứng dụng chuyển đổi số trong ngành bán lẻ sẽ giúp doanh nghiệp giữ "chân" khách hàng bằng việc tăng trải nghiệm khiến người dùng hài lòng. Thông qua việc cung cấp những giải pháp công nghệ mới như thanh toán nhanh chóng bằng trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc công nghệ nhiệt hạch cảm biến. Bên cạnh đó, còn các hình thức thanh toán khác bằng thẻ ngân hàng, ví điện tử, mã khuyến mại tích hợp trong các ứng dụng thanh toán như AirPay, Momo, ViettelPay, ZaloPay... trên các sàn thương mại điện tử.
Công nghệ thực tế ảo (VR)/thực tế tăng cường (AR) được sử dụng nhiều trong các ngành bán lẻ như nội thất, ô tô... Qua đó, khách hàng có cái nhìn rõ nét về sản phẩm thông qua truy cập ứng dụng công nghệ thực tế ảo trên các thiết bị thông minh.
Kiểm tra sản phẩm nhanh chóng với mã QR là một dạng thông tin được mã hóa và sử dụng phổ biến trong ngành bán lẻ để mua sắm, thanh toán một cách nhanh chóng. Chỉ cần một chiếc điện thoại với ứng dụng tích hợp quét mã, mọi thông tin về sản phẩm/dịch vụ/cổng thanh toán sẽ xuất hiện ngay lập tức trên thiết bị của khách hàng.
Chẳng những thế, việc ứng dụng những thành tựu công nghệ vào quy trình sản xuất kinh doanh là điều cần thiết để nâng cao hiệu suất làm việc, tối ưu hóa và thống nhất quy trình. Những sản phẩm công nghệ sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp bán lẻ những giải pháp sau:
Quản lý bán lẻ: Quản lý thanh toán hiệu quả (tạo đơn, cung cấp nhiều hình thức thanh toán, tạo hóa đơn điện tử...), quản lý tốt phiên bán hàng, sản phẩm và cách thức kết nối với khách hàng.
Quản lý kế toán: Hỗ trợ tra soát hóa đơn, dự báo chính xác chi phí trong tương lại, hỗ trợ theo dõi doanh thu/chi phí/hợp đồng, lập báo cáo tài chính chi tiết,...
Quản lý quan hệ khách hàng: Quản lý thông tin khách hàng dễ dàng, phân quyền nhân viên chăm sóc với từng phân mục khách hàng, quản lý cơ hội và lập báo cáo chi tiết hoạt động chăm sóc khách hàng tự động,...
Giải pháp ERP: Xây dựng, tùy chỉnh và quản lý web thương mại điện tử dễ dàng, nhanh chóng.
Quản lý nhân sự: Quản ly tốt thông tin từng nhân viên, phòng ban, hỗ trợ lập kế hoạch, theo dõi quy trình đào tạo, sử dụng và tính lương nhân sự hiệu quả.
Đáng lưu ý, việc áp dụng chuyển đổi số trong ngành bán lẻ đã làm tăng doanh thu. Thực tế chuyển đổi số ngành bán lẻ ngoài việc giúp doanh nghiệp bán lẻ tối ưu hóa quy trình bán hàng/thanh toán/giao hàng và quản lý bán lẻ còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí thuê nhân viên, chi phí cho những hoạt động quảng cáo kém hiệu quả, chi phí vận hành quy trình sản xuất kinh doanh phức tạp.
Chính chuyển đổi số là chìa khóa đáp ứng đúng xu hướng, nhu cầu và tăng trải nghiệm khách hàng hiệu quả, từ đó, tăng doanh số bán hàng, tăng doanh thu.
Quản lý nhân sự: Quản lý tốt thông tin từng nhân viên, phòng ban, hỗ trợ lập kế hoạch, theo dõi quy trình đào tạo, sử dụng và tính lương nhân sự hiệu quả.
Nếu không dự đoán và nắm bắt xu hướng, đánh giá đúng nhu cầu của người tiêu dùng để có chiến lược chuyển đổi số phù hợp, doanh nghiệp sẽ không thích ứng kịp với yêu cầu của thị trường. 
Ứng dụng thành tựu công nghệ là giải pháp thích hợp giúp các doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh, gây ấn tượng với người tiêu dùng về hình ảnh một doanh nghiệp nắm bắt tốt những thành tựu về công nghệ hiện đại.
Chống thất thu thuế ngành bán lẻ trên thương mại điện tử. Ảnh minh hoạ.
Chống thất thu thuế hoạt động thương mại điện tử
Hiện nay, hoạt động kinh doanh ngành bán lẻ chủ yếu trên thương mại điện tử, mặc dù kết quả đạt được là khá tích cực. Song, công tác quản lý hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn thách thức. Báo cáo tại kỳ họp Quốc hội tháng 6/2022 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, với đặc trưng kinh tế số, thương mại điện tử phát triển nhanh, việc quản lý, thu thuế gặp nhiều thách thức. Việc thu thuế trên sàn thương mại điện tử, các nền tảng số như Zalo, hay thanh toán nhận hàng trả bằng tiền mặt (COD)… là vấn đề mới, khó và hiện còn thất thu thuế do các nhà máy đặt ở nước ngoài. 
Mặt khác, những người tham gia kinh doanh trên các nền tảng số, sàn thương mại điện tử gồm cả trong và ngoài nước, nên việc truy địa chỉ để thu thuế không dễ. Để chống thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh này, Bộ trưởng đã chỉ đạo Tổng cục Thuế tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các bộ, ngành chức năng liên quan, xây dựng kho cơ sở dữ liệu đồng bộ, kết nối và chia sẻ thông tin, phục vụ công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý thuế nói riêng.
Hiện nay, nhiều công ty lớn trên thế giới trong hoạt động kinh tế kỹ thuật số vẫn còn được nguồn thu lớn từ người tiêu dùng ở một quốc gia khác, dù không cần có mặt trực tiếp tại quốc gia đó. Thực tế này khiến các quốc gia cần tìm ra một cơ chế đánh thuế thu nhập phù hợp. 
Song, để làm sao đánh được thuế thu nhập phù hợp đang là bài toán không nhỏ đối với cơ quan thuế. Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số đang ngày càng trở nên phức tạp và tinh vi, khó kiểm soát. Cách tiếp cận giao dịch theo vị trí địa lý để đánh thuế đều không còn phù hợp nữa. Các chính sách thuế quốc tế đã có những xu hướng thay đổi lớn để phù hợp hơn với sự phát triển này.
Do đó, để quản lý hiệu quả nguồn thuế này, Việt Nam cần nắm bắt, cập nhật đầy đủ thông tin, chủ động và tích cực trong quá trình đàm phán và hoàn thiện các nguyên tắc cụ thể thông qua các hiệp định thuế; nhanh chóng hoàn thiện cơ chế thu thuế, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế từ các quốc gia khác để sẵn sàng ứng phó với những biến động trong giai đoạn có nhiều biến động này.
Hiện nay, với sự phát triển của nền kinh tế số, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước.
Ngày 1/10/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện số 889/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện các nhiệm vụ nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì, khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, như hoàn thiện thể chế quản lý thuế trong hoạt động kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, sản xuất thông minh, giao dịch xuyên biên giới…; Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với thương mại điện tử; Tiếp tục phối hợp, trao đổi, kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu với các bộ, cơ quan liên quan; Nghiên cứu, xây dựng nội dung tham gia đàm phán các Hiệp định đa phương về quyền đánh thuế đối với thu nhập từ kinh tế số.
(Còn tiếp)