Xử lý nhiều cơ sở kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng


(CHG) Thời gian qua, hoạt động buôn bán phân bón giả tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp với quy mô liên tỉnh. Hàng chục cơ sở kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng đã bị lực lượng chức năng các tỉnh Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp phát hiện và xử lý.
Ngày 10/10/2022, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh tại khóm 1, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông do dà L.T.L làm chủ. Lực lượng chức năng phát hiện tại đây đang kinh doanh gần 60.000 sản phẩm phân bón vi phạm nhãn mác. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm là 210 triệu đồng. Cơ sở này còn không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón theo quy định của pháp luật.
Lực lượng QLTT Đồng Tháp kiểm tra một hộ kinh doanh phân bón giả.
Ngày 12/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã ký Quyết định số 2103/QĐ-XPHC xử phạt hành chính đối với hộ kinh doanh Huỳnh Văn Thuận (tổ 12, ấp Hiếu Văn, xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm) về hành vi buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng.
Cũng với hành vi trên, Đội QLTT số 5 Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã phát hiện một trường hợp buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng , không niêm yết giá. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ký quyết định xử phạt hộ kinh doanh vi phạm số tiền gần 110 triệu đồng.
Từ đầu năm đến nay, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang cũng đã chuyển hồ sơ 4 vụ việc buôn bán phân bón giả sang cơ quan Công an tiến hành điều tra. Điển hình, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang kiểm tra đột xuất Công ty TNHH MTV C.H.G tại xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang và lấy mẫu phân bón để gửi phân tích. Kết quả thử nghiệm tất cả các chỉ tiêu đăng ký đều không đạt chất lượng dưới 70% so với tiêu chuẩn công bố áp dụng. Lực lượng QLTT xác định lô phân bón trên là phân bón giả nên làm việc với chủ sơ sở lập biên bản vi phạm. Hành vi trên của chủ cơ sở có dấu hiệu tội phạm nên đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra.
9 tháng đầu năm 2022, Cục QLTT tỉnh Long An đã thực hiện kiểm tra đối với 145 cửa hàng, đại lý kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; lấy 55 mẫu phân bón kiểm nghiệm chất lượng. Trong đó, có 7 mẫu là hàng giả, 11 mẫu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Lực lượng QLTT tỉnh Long An còn phát hiện, xử lý 6 trường hợp vi phạm về nhãn, 2 trường hợp kinh doanh phân bón không có giấy phép lưu hành tại Việt nam, 1 trường hợp vi phạm về giá niêm yết giá. Tổng số tiền xử phạt là gần 2 tỷ đồng.
Hoạt động buôn bán phân bón giả, kém chất lượng tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ ngày càng tinh vi với quy mô liên tỉnh. Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn nhiều trên thị trường, các đối tượng có nhiều thủ đoạn rất tinh vi.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, vì lợi nhuận, một số đại lý sẵn sàng tiếp tay tuồn phân bón giả ra thị trường. Các cơ quan chức năng cần tập trung xử lý không chỉ từ đầu nguồn sản xuất, mà còn từ hệ thống phân phối phân bón đến cơ sở, hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần lựa chọn kỹ hàng hóa khi mua, đặc biệt quan tâm đến chất lượng sản phẩm trên thị trường. Người dân nên chọn mua phân bón tại những cơ sở uy tín, mặt hàng có thương hiệu, bao bì rõ ràng.