Ban chỉ đạo 389 Quốc Gia: Chung tay chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ


(CHG) Vừa qua, Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia kết hợp Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) tổ chức hội thảo với chủ đề “Phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là xe điện, xe máy, phụ tùng xe máy - Thực trạng và giải pháp” trên nền tảng thương mại điện tử. 
Toàn cảnh hội thảo.
Tại hội thảo "Phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là xe điện, xe máy, phụ tùng xe máy - Thực trạng và giải pháp”, bà Đại Khả Quỳnh - Trưởng ban Sở hữu trí tuệ, VAMM cho biết về thực trạng các công ty trong hiệp hội đã có thời gian phát triển lâu dài và tạo dựng được tên tuổi nhất định đối với các sản phẩm xe máy, phụ tùng xe máy mang thương hiệu công ty.
Song song với sự phát triển tích cực đó, ngành công nghiệp sản xuất xe máy cũng phải đối mặt với vấn nạn về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là xe điện, xe máy, phụ tùng xe máy.
Tính đến tháng 10/2022, VAMM đã phát hiện và phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý thành công 292 trường hợp bán hàng giả, hàng nhái. Loại sản phẩm hay bị làm giả là nan hoa, dây phanh, lọc gió, tem đề can, bi văng, dây công tơ mét…
Ngoài ra VAMM cũng gặp khó khăn trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với các nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ tại Việt Nam. Ví dụ như xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và/hoặc kiểu dáng công nghiệp xe “Cup” của Honda, xe “Vespa” của Piaggio.
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Tổng cục Quản lý thị trường.
Ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho rằng, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn, ở cả khu vực sản xuất, lưu thông và xuất nhập khẩu, với mọi loại hàng hóa, từ hàng tiêu dùng thông thường đến các hàng hóa có giá trị cao, hàng hóa có chức năng quan trọng. Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ sản xuất ở Việt Nam mà còn sản xuất ở nước ngoài và đưa về Việt Nam tiêu thụ.
Vấn đề đó, chẳng những ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, an toàn tính mạng người sử dụng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, tạo tác động tiêu cực đến quyết định đẩy mạnh đầu tư của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Lê đề nghị cần có sự tham gia quyết liệt quả các hiệp hội chung tay cùng doanh nghiệp đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, cần phải có những công cụ, giải pháp được pháp luật thừa nhận nhằm hỗ trợ lực lượng quản lý thị trường thực thi nhiệm vụ.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 85/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định 52/2013/NĐ-CP về quản lý hoạt động thương mại điện tử cũng như chế tài xử lý vi phạm (Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
Cùng với việc ban hành Quyết định 3304/QĐ-BCT về Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025 nhằm triển khai Nghị quyết 99/NQ-CP ngày 30/8/2021, Bộ Công thương cùng với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia thành Tổ 399 để đẩy mạnh xử lý vi phạm gian lận thương mại trong thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn – đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) thông tin, để nâng cao hiệu quả công tác phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã xây dựng cổng giải quyết tranh chấp trực tuyến online.gov.vn để tiếp nhận thông tin, gửi khiếu nại, phản hồi thông tin phối hợp xử lý… Ngoài ra Bộ Công thương còn phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Y tế, cơ quan liên quan gỡ bỏ các gian hàng, sản phẩm vi phạm.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và nâng cao năng lực cho cả doanh nghiệp cũng như đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho cán bộ là lực lượng quản lý thị trường, công an. Và kêu gọi mỗi người tiêu dùng hãy tận dụng mọi quyền được trao: được tham gia xây dựng chính sách, được tư vấn, được yêu cầu bồi thường, được thông tin chính xác, được an toàn, lắng nghe… để trở thành người tiêu dùng thông minh.