An toàn thực phẩm, minh bạch nguồn gốc xuất xứ bảo vệ người tiêu dùng


(CHG) Ngày 18/10, tại Hội nghị “Bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam” được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh về quản lý an toàn thực phẩm không phải đợi đến “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” mới vào cuộc.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu việc bảo đảm an toàn thực phẩm từng ngày từng giờ.
Tại Hội nghị “Bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam”, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nguyễn Như Tiệp thông tin rằng, trong khi thế giới đang đối mặt với thiên tai cực đoan, dịch bệnh thì Việt Nam vẫn đảm bảo lương thực, thực phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu. 
Tỷ lệ vi phạm an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm giảm dù vẫn ở mức cao so với các nước phát triển. Bên cạnh đó, chính sách pháp luật chưa đầy đủ và chưa phù hợp với thực tiễn; hệ thống giám sát, thanh tra, kiểm tra chưa hiệu quả, chặt chẽ. 
Bên cạnh đó, việc tổ chức liên kết sản xuất với tiêu thụ, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, trong đó xác định khâu trọng yếu của chuỗi là các trang trại, hợp tác xã đến các chợ đầu mối và nhà bán lẻ lớn. Cần chuẩn hóa những khâu trọng yếu này và minh bạch chia sẻ thông tin giữa các bên để cùng nhau giám sát đường đu của thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch cho biết, nhiều người có hành vi gian dối, hàng kém chất lượng nhưng dán mác VietGAP đưa vào siêu thị, đánh lừa người tiêu dùng và gây thiệt hại cho những nông dân làm VietGAP chân chính. 
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, việc bảo đảm an toàn thực phẩm cần tránh tư duy khẩu hiệu, trách nhiệm với an toàn thực phẩm là vấn đề từng ngày, từng giờ. Quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện thường xuyên.
Và an toàn thực phẩm là trách nhiệm chung của toàn xã hội và của từng người. Tất cả phải chung tay giúp xã hội thay đổi, giúp người nông dân thay đổi cách sản xuất. Cộng đồng doanh nghiệp không nên nghĩ đơn giản ở việc mua và bán, mà hướng đến đến việc tạo ra giá trị xung quanh nông sản. 
Thời gian tới, về quản lý Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp với phương châm “tư duy mở, hành động nhanh, kết quả thật”.