Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng


(CHG) Tọa đàm trực tuyến “Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng” đã được tổ chức vào chiều 19/10.
Tọa đàm do Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương và Báo Đại biểu nhân dân phối hợp tổ chức. Phát biểu tại tọa đàm, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục Trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết, trong năm 2021, thương mại điện tử là lĩnh vực đứng thứ 2 về số lượng đơn, thư phản ánh, yêu cầu, kiến nghị của người tiêu dùng.
Toàn cảnh Các diễn giả tham dự buổi tọa đàm.
Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, đã có tổng số 1.261 đơn, thư phản ánh, yêu cầu, kiến nghị của người tiêu dùng liên quan tới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Cục tiếp nhận và xử lý, chiếm tỷ lệ 15,4%. Các nội dung phản ánh chủ yếu liên quan đến việc chậm giao hàng, giao hàng không đúng số lượng, chất lượng so với đơn hàng đã đặt.
“Bên cạnh đó, cũng có một số tổ chức, cá nhân lợi dùng thương mại điện tử để cung cấp hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đúng với hình ảnh đã quảng cáo trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử…”, ông Tuấn nói.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, các quy định về bảo vệ người tiêu dùng trước đây đã có nhiều mảng khác nhau, nhưng có sự chồng chéo, thực hiện chưa tốt. Vì vậy, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi ra đời mang tính kịp thời, phù hợp với xu thế phát triển.
Đến nay, các vụ khiếu nại vì hoạt động thương mại trên không gian mạng tăng lên tới 1.600 vụ/năm, thể hiện người tiêu dùng càng nhận thức rõ hơn về quyền lợi và nơi mình có thể khiếu nại. Đây sẽ là tâm điểm trong việc sửa đổi Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
Nhằm hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn, đặc biệt là trong môi trường thương mại điện tử, trên không gian mạng, Chính phủ đã đề xuất và được Quốc hội nhất trí đưa dự án Luật bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Dự kiến, dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư, và xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ Năm vào tháng 5/2023.