Bài 1: Chống hàng giả - cơ hội cho ngành da giầy tại thị trường nội địa


(CHG) Hiện nay, không chỉ các thương hiệu da giầy nổi tiếng thế giới, mà cả các thương hiệu nội địa cũng bị làm giả, làm nhái… gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp sản xuất. Chống hàng giả chính là cơ hội để ngành da giầy phát triển thị trường nội địa.

Năm 2021, xuất khẩu da giầy  thu được khoảng 20,78 tỷ USD. 

Chống hàng giả cho ngành da giầy
Theo báo cáo từ Hiệp hội da giầy - túi xách Việt Nam (LEFASO), năm 2019, tiêu thụ giầy dép tại Việt Nam đạt khoảng 190 triệu đôi (bình quân 1,9 đôi/người). Tính đến cuối năm 2021, cả nước có khoảng 2.200 doanh nghiệp sản xuất giầy dép, tập trung chủ yếu ở khu vực xung quanh TP. Hồ Chí Minh. 
Năm 2021, xuất khẩu da giầy thu được khoảng 20,78 tỷ USD. Tuy nhiên, tại thị trường nội địa, hầu hết số lượng giầy dép, túi xách có nhãn mác là các thương hiệu nổi tiếng được bán với giá rất rẻ, đều là hàng giả, hàng nhái. Nhiều cửa hàng tại Hà Nội và các thành phố lớn bày bán công khai những sản phẩm có mác Nike, Adidas, Converse, Vans,... có chất lượng và nguồn gốc không rõ ràng. 
Theo số liệu tổng hợp từ các vụ việc thu giữ hàng da giầy nhái, hàng giả, hầu hết đều có xuất xứ từ Phúc Kiến, Hồ Nam, Hà Bắc, Quảng Châu (Trung Quốc). Chỉ cần mỗi đôi lấy với số lượng nhất định, chủ hàng có thể đặt làm nhãn mác giả của bất cứ thương hiệu nào, hay tem mác, xuất xứ của bất kỳ nước nào. Mỗi mặt hàng đều có mức độ làm nhái khác nhau. Mức độ nhái tốt nhất so với hàng chính hãng là 80% nhưng giá chỉ bằng 1/10 sản phẩm chính hãng. Mặc dù hàng năm, các hãng lớn đều cho ra mắt những sản phẩm theo thiết kế mới, nhưng ngay lập tức hàng giả những mẫu mã mới sẽ xuất hiện và tung ra thị trường với giá bán khác nhau, tùy theo mức độ “sao chép” so với sản phẩm gốc. 
Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai đã phát hiện và thu giữ 1.340 đôi giầy dép các loại trị giá gần 70 triệu đồng. Các loại hàng này được đóng thùng carton tại khu vực đường Thủ Dầu 1, Khu Công nghiệp Bắc Duyên Hải, phường Duyên Hải, TP. Lào Cai do ông Vũ Hoàng Chung (SN 1979, trú tại phường Cốc Lếu, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai) làm chủ hàng. Tại thời điểm kiểm tra, ông Chung không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến lô hàng.
Được biết, Đội Quản lý thị trường số 1 tỉnh Lào Cai cũng phát hiện và thu giữ 11 thùng carton (gồm 140 đôi dép nữ, người lớn, mùa hè các loại; 460 đôi dép nữ, trẻ em các loại) có xuất xứ nước ngoài, chưa qua sử dụng, ước tính trị giá 30 triệu đồng. Chủ hàng là ông Doãn Phương Hùng (SN 1994, trú tại xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu của hàng hóa. 
Thực tiễn cho thấy, hàng nhái, hàng giả còn xảy ra với các thương hiệu trong nước. Hiện tượng thường xảy ra là nhà sản xuất trong nước cố tình làm hàng giả, đặt nhãn hàng hóa có tên gọi gần giống với nhãn hàng của những thương hiệu uy tín để gây sự nhầm lẫn với người tiêu dùng. Chưa hết, một số chủ hàng còn bóc nhãn xuất xứ từ nước ngoài và ghi xuất xứ sản phẩm Việt Nam (Made in Vietnam), để gian lận thương hiệu xuất khẩu vào Mỹ và các nước có FTA với Việt Nam, gây mất uy tín cho sản phẩm da giầy xuất khẩu của Việt Nam. 
Cùng với đó, hàng da giầy giả và hàng nhái còn vào thị trường nước ta thông qua các sàn thương mại điện tử. Bởi vì, phương thức kinh doanh này mang lại lợi nhuận lớn, hạn chế rủi ro cho chủ hàng và đặc biệt khó bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.
Khi được hỏi về vấn đề này, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký LEFASO cho biết, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp da giầy trong nước đã hướng về thị trường nội địa và đã có bước phát triển đáng kể. Nhiều doanh nghiệp đã mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị và tăng cường khâu thiết kế mẫu, tạo ra nhiều sản phẩm hợp thời trang, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Cùng với đó, chất lượng và kiểu dáng sản phẩm sản xuất trong nước cũng được nâng cao, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, bà Phan Thị Thanh Xuân cũng cho rằng, thị trường giầy dép nội địa hiện còn nhiều bất cập. Bởi vì, mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu giầy dép đứng thứ hai thế giới (sau Trung Quốc), nhưng nước ta cũng phải nhập khẩu trên 100 triệu đôi giầy dép các loại, trị giá gần 1 tỷ USD, chiếm 60% nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Nguyên nhân của tình trạng này là do doanh nghiệp da giầy lớn trong nước và doanh nghiệp FDI chưa quan tâm phát triển thị trường nội địa song song với phát triển xuất khẩu. Bên cạnh đó, còn tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường nội địa, chưa có giải pháp ngăn chặn triệt để.
Một vấn đề nữa là, việc áp thuế nhập khẩu mức 0% đối với hàng hóa lưu thông nội khối ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc, các nước ASEAN và Trung Quốc đã đẩy mạnh xuất khẩu giầy dép và túi xách vào Việt Nam, làm tăng sức ép cạnh tranh đối với sản phẩm Việt Nam ngay tại thị trường nội địa.

Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh da giầy. Ảnh minh hoạ

Chung tay bảo vệ thương hiệu da giầy Việt Nam

Chia sẻ giải pháp ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực da giầy, Bà Xuân cho biết, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương đã tăng cường thanh tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Hiện nay, Bộ Công thương cũng đang triển khai hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp của các doanh nghiệp đối với những vi phạm về sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng nhái tại các cửa hàng và sàn thương mại điện tử; đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cam kết “Nói không với hàng giả, hàng nhái”.
Hiệp hội LEFASO cũng phát động “Chương trình bình chọn thương hiệu giày dép, túi xách uy tín” nhằm tìm ra những thương hiệu uy tín, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Theo đó, LEFASO khuyến cáo, ngoài những cải tiến về chất lượng, mẫu mã và giảm giá thành nhằm đưa sản phẩm dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng, các doanh nghiệp da giầy Việt Nam cần có ý thức bảo vệ “thương hiệu” thuộc “tài sản sở hữu trí tuệ” của mình thông qua Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam và tại các cơ quan đăng ký “Quyền sở hữu trí tuệ” tại các nước là thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp.Đối với các nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ độc quyền, doanh nghiệp cũng cần thông tin cho khách hàng để nhận biết, phân biệt hàng giả, hàng nhái, tránh việc các đối tượng xấu lợi dụng trục lợi.
Để thực hiện hiệu quả, các doanh nghiệp có thể nghiên cứu sử dụng công nghệ chống hàng giả như tem chống giả QR Code, iCheck được dán trên sản phẩm để bảo vệ thương hiệu. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần nâng cao kiến thức của mình, không chọn mua các mặt hàng nhái, hàng giả, hàng không có xuất xứ rõ ràng để sử dụng.
Bài 2: Bảo vệ thương hiệu: Tiêu chuẩn an toàn sản phẩm ngành da - giầy