(CHG) Nhằm ngăn chặn hiện tượng buôn lậu, gian lận thương mại hoạt động mạnh vào các tháng cuối năm, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 3251/KH-BCĐ 389 yêu cầu tăng cường, ngăn chặn kịp thời buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra hàng qua biên giới. Ảnh: H.L
Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Kon Tum, hiện nay tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đang diễn biến phức tạp. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là hàng thiết yếu (xăng dầu, khoáng sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dược phẩm, thực phẩm chức năng, vật tư y tế, linh kiến điện tử…), các mặt hàng cấm (ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã…).
Những đối tượng buôn lậu hoạt động rất tinh vi, có tổ chức với nhiều thủ đoạn... ở hầu khắp các vị trí vùng biên giới; lợi dụng các đường mòn lối mở để tập kết hàng, rồi vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.
Những năm gần đây, các lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhiều vụ vi phạm có quy mô lớn, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, chứa hàng hóa vi phạm, với các chủng loại vô cùng đa dạng. Chỉ riêng trong tháng 9/2022, các lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra 86 vụ, xử lý hình sự 2 vụ, xử lý hành chính 36 vụ với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 1,2 tỷ đồng.

Tiêu hủy hàng hóa là tang vật gian lận thương mại. Ảnh: HL
Để ngăn chặn tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp vào những tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Kom Tum đã ban hành Kế hoạch số 3251/KH-BCĐ 389 (ngày 29/9/2022) yêu cầu các sở, ngành địa phương tích cực triển khai công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trong đó, xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm; tăng cường kiểm soát tại khu vực biên giới và cửa khẩu, các đường mòn, lỗi mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa. Không để phát sinh các kho, điểm trung chuyển hàng lậu, hàng giả hàng kém chất lượng.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 Kon Tum chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung vào các nhóm hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán như thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, pháo nổ, ngoại tệ, xăng dầu, gia súc, gia cầm, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang.