TP HCM: Nâng cao hiệu quả chương trình Bình ổn thị trường


(CHG)  Chương trình Bình ổn thị trường tại TP. Hồ Chí Minh đã có sự chuyển biến căn bản, kiểm soát tốt hiệu quả thị trường sau 20 năm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, tính liên kết vùng giữ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành chưa đủ mạnh, do có sự khác biệt ở khâu quản lý an toàn thực phẩm tác động với việc cung ứng, tiêu thụ hàng hóa.
Tại TP. Hồ Chí Minh, hiện còn tới khoảng 70% sản lượng thực phẩm tươi sống từ các tỉnh cung cấp cho địa bàn thành phố chưa kiểm soát được chất lượng, khoảng 30% được kiểm soát thông qua các hệ thống phân phối hiện đại.
Đã có 69 doanh nghiệp và 12 tổ chức tín dụng tham gia chương trình Bình ổn thị trường, trong đó có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh và chiếm lĩnh thị phần cao. Đến nay, tổng sản lượng hàng bình ổn thị trường chiếm lĩnh thị phần cao, đủ sức điều tiết thị trường và sẵn sàng can thiệp, bổ sung nguồn cung khi có hiện tượng khan hàng, sốt giá.
Nâng cao hiệu quả chương trình Bình ổn thị trường.
Trong năm 2022, lượng hàng trứng gia cầm bình ổn thị trường chiếm 79% thị phần, thịt gia cầm chiếm 33,8%, dầu ăn chiếm 28,2%, đường chiếm 21,3%, thịt gia súc chiếm 18,6%... Bên cạnh đó, với nhiệm vụ phát triển hệ thống phân phối, trên địa bàn thành phố hiện có 10.983 điểm bán hàng Bình ổn thị trường, giúp giảm tối đa chi phí trung gian từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng…
Mặc dù chương trình đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp các doanh nghiệp xác lập được sự tín nhiệm của đối tác, với người tiêu dùng, nhưng không phải lúc nào các doanh nghiệp cũng gặp thuận lợi.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, giá cả hàng hóa đầu vào tăng cao, nhưng giá sản phẩm đầu ra thấp làm ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp. Thời gian qua, biến động nguyên liệu tăng 15 - 30% vì đứt gãy nguồn cung do dịch bệnh Covid-19, cùng với đó là giá xăng dầu tăng cao khiến hoạt động của doanh nghiệp hết sức khó khăn.
Thực trạng trên đã khiến doanh nghiệp bình ổn giá xin được điều chỉnh giá bán, song giá sản phẩm sau điều chỉnh tăng không quá 10%. Với mức giá này, đa phần doanh nghiệp cho rằng đã và đang "gồng mình", chấp nhận lợi nhuận thấp vì muốn tạo điều kiện kích cầu tiêu dùng.
Bà Lý Kim Chi kỳ vọng các sở, ban, ngành phân luồng lại cho các kênh chợ truyền thống để chọn lọc, mở rộng thêm nhiều chợ đạt chuẩn tham gia vào kênh bán hàng bình ổn thị trường trong giai đoạn 2023-2032; cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ thông qua hệ thống phân phối của họ tiếp cận và tăng cường đưa sản phẩm bình ổn thị trường đến các nhóm khách hàng chuyên nghiệp là nhà hàng, khách sạn, công ty… để người tiêu dùng nhiều nơi có thể sử dụng hàng hóa bình ổn dễ dàng với giá tốt.
Song song với đó, các sở ngành cần hỗ trợ kết nối để tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, sản xuất đến chế biến, vận chuyển, phân phối… đều cùng tham gia và thống nhất cắt giảm một phần lợi nhuận, chia sẻ khó khăn với toàn chuỗi và người tiêu dùng thì hiệu quả của chương trình bình ổn sẽ được nâng cao, tạo sự đột phá và được nhân rộng. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ truyền thông nhận diện thương hiệu của chương trình để giúp người dân dễ dàng nhận diện hình ảnh thương hiệu và tin tưởng sử dụng.