Bình Phước: Xử lý "mạnh tay" các doanh nghiệp có hành vi buôn lậu hạt điều


(CHG) Từ đầu năm đến nay, Cục Hải quan Bình Phước đã ban hành 3 quyết định khởi tố vụ án buôn lậu hạt điều với tổng lượng điều thô lên tới gần 19.000 tấn, tương ứng trị giá trên 550 tỷ đồng. 
Cục Hải quan Bình Phước đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Buôn lậu” xảy ra tại Công ty TNHH MTV SXTM Tuấn Thịnh (thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước).
Cụ thể, từ ngày 23/01/2017 đến tháng 7/2022, Công ty Tuấn Thịnh mở 33 tờ khai nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu (E31) với tổng trọng lượng điều thô là 3.611 tấn, tương đương trị giá tính thuế là trên 166 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, công ty mở 2 tờ khai xuất khẩu điều nhân với tổng khối lượng 53 tấn. Theo hồ sơ hải quan, lượng nguyên liệu điều thô chưa bóc vỏ thuộc các tờ khai nhập khẩu loại hình E31 còn tồn là 2.828 tấn.
Cuối tháng 10/2021, Chi cục Hải quan Chơn Thành - Cục Hải quan Bình Phước đã kiểm tra tình hình sử dụng, tồn kho nguyên liệu, vật tư máy móc, thiết bị và hàng hóa xuất khẩu tại trụ sở Công ty Tuấn Thịnh. Làm việc với lực lượng chức năng, đại diện công ty xác nhận 2.828 tấn nguyên liệu thô không còn tồn kho theo khai báo hải quan. Tính theo đơn giá bình quân, khối lượng hàng này tương đương trị giá là 130 tỷ đồng, số tiền thuế nhập khẩu tương ứng là 6,5 tỷ đồng.
Lợi dụng những sơ hở của chính sách ưu đãi thuế GTGT, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách trục lợi từ nhập khẩu hạt điều.
Ông Đặng Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Tuấn Thịnh khai, công ty đã trực tiếp bán sản phẩm nhân hạt điều làm từ 2.828 tấn điều thô đã nhập khẩu tại 33 tờ khai theo loại hình E31 cho 2 khách hàng. Trong đó, một doanh nghiệp ở Bình Phước đã ký 24 hợp đồng mua bán nhân hạt điều với tổng trọng lượng gần 558 tấn, trị giá 72,2 tỷ đồng. Một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh ký 1 hợp đồng mua 7,5 tấn nhân hạt điều, trị giá 1,08 tỷ đồng. Làm việc với cơ quan chức năng, cả 2 doanh nghiệp này đều xác nhận có mua bán điều nhân với Công ty Tuấn Thịnh.
Công ty Tuấn Thịnh đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đối với 2.828 tấn hạt điều thô. Như vậy, hành vi của Công ty Tuấn Thịnh đã xâm phạm đến hoạt động quản lý kinh tế Nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu, có dấu hiệu của tội phạm buôn lậu quy định tại khoản 4, Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Lợi dụng những sơ hở của chính sách ưu đãi thuế GTGT, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách trục lợi. Cụ thể, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu theo loại hình E31, sau đó chỉ sản xuất một phần nhỏ nguyên liệu để xuất khẩu nhằm che mắt cơ quan quản lý, lượng lớn nguyên liệu còn lại được chế biến để tiêu thụ nội địa. Đây là thủ đoạn không mới, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tìm cách lợi dụng gây ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh cũng như thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Lịch - Cục trưởng Cục Hải quan Bình Phước cho biết, để nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, cơ quan này đã thực hiện rà soát, phân loại các doanh nghiệp. Theo đó, với các doanh nghiệp chấp hành tốt quy định của pháp luật, đơn vị sẽ khuyến khích, động viên để doanh nghiệp phát triển.
Với những doanh nghiệp chưa nắm rõ các quy định và vẫn có một số sai phạm, đơn vị sẽ hướng dẫn hỗ trợ để doanh nghiệp nâng cao khả năng tuân thủ pháp luật. Riêng những doanh nghiệp cố tình lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước để trục lợi, đơn vị đã và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm.
Ngoài ra, Cục Hải quan Bình Phước cũng đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp. Đơn vị đã tập hợp, thống kê những rủi ro mà doanh nghiệp có thể mắc phải khi nhập khẩu hạt điều thô để sản xuất hàng xuất khẩu theo loại hình E31 nhằm giúp các doanh nghiệp rà soát, điều chỉnh để tránh sai phạm.