(CHG) Từ cuối năm 2020 đến nay, giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi trong nước đã tăng tới 17 lần và chưa giảm lần nào, khiến ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT) đang chuẩn bị trình Chính phủ xem xét, phê duyệt dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi, với nhiều ưu đãi nhằm hỗ trợ, phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi về Việt Nam trong tháng 9 năm 2022 đạt gần 4,07 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trước đó, năm 2021, Việt Nam cũng đã chi tới gần 5 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi. Đáng chú ý là, giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi trong nước đã tăng 17 lần và chưa giảm lần nào đã khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Hậu quả là không ít hộ chăn nuôi thị thua lỗ, thâm chí phải “treo” chuồng.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi, Thú y Hà Nội cho biết, ở thời điểm trước mắt, việc nhiều nông hộ tận dụng, phối trộn thức ăn là một giải pháp hiệu quả giúp giảm chi phí giá thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, việc phối trộn, tận dụng này chỉ phù hợp với chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ và vừa, còn chăn nuôi công nghệ cao thì khó áp dụng.
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, cần chuyển đổi một phần diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại thức ăn chăn nuôi, trong đó có ngô (ngô hạt và ngô sinh khối). Tuy nhiên, để làm được điều này phải có chính sách thu gom, tích tụ ruộng đất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuê đất liên kết với nông dân để phát triển vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu của ngành chăn nuôi.

Cần chuyển đổi một phần diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng thức ăn chăn nuôi.
Bộ NN & PTNN đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi, trong đó có nội dung hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNN) cho biết, dự thảo nghị định này đang được lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện; dự kiến trình Chính phủ xem xét, phê duyệt cuối năm nay.
Nhằm hỗ trợ, phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, dự thảo nghị định sẽ đề cập đến một số điểm quan trọng như đối với các tổ hợp tác, hợp tác xã khi tham gia sản xuất các vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi được hỗ trợ tối đa 50% về tổng chi phí cho cơ sở hạ tầng của vùng nguyên liệu đó, không vượt quá 2 tỷ đồng cho 1 dự án. Cơ sở hạ tầng cho vùng nguyên liệu gồm: Xây dựng đường giao thông nội vùng, vận chuyển nguyên liệu đầu vào và sản phẩm, hệ thống thủy lợi - điện, có khu vực tập kết nguyên liệu.
Bên cạnh đó, nếu các tổ hợp, hợp tác xã tham gia vào vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ được hỗ trợ mua các loại giống mới, đặc biệt giống có năng suất, chất lượng cao sẽ được hỗ trợ khoảng 50%, tối đa 100 triệu đồng. Khi dầu tư vào vùng nguyên liệu, điều khó khăn nhất là làm sao có diện tích lớn để cơ giới hóa đồng bộ. Chính sách sẽ hỗ trợ 50% chi phí để thu gom đất nông nghiệp. Quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ cho mỗi dự án không quá 1 tỷ đồng.
Đồng thời, nghị định cũng sẽ đề cập hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi. Theo đó, các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu sản xuất nguyên liệu thức ăn bổ sung sẽ được hỗ trợ 50%, tối đa không quá 2 tỷ đồng cho 1 dự án.