Phú Thọ: Phá đường dây làm giả hàng trăm bộ hồ sơ và giấy phép lái xe


(CHG) Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với các đối tượng Phạm Văn Vượng (SN 1994), Hoàng Văn Đằng (SN 1995), Tống Xuân Duy (SN 2003) và Cao Thị Hiền (SN 2003) để làm rõ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.
Qua nắm bắt tình hình, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ thấy trên mạng xã hội xuất hiện nhiều trang fanpage là các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe với nội dung “nhận làm GPLX các hạng A1,A2,B1,B2...” và cam kết “GPLX thật 100% có mã QR”. Khi khách hàng liên hệ, các đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, chụp ảnh và căn cước công dân. Sau đó, trung tâm sẽ cử người thi hộ, bao đỗ và được Sở Giao thông vận tải cấp GPLX có đầy đủ hồ sơ gốc. Khi nhận được hồ sơ và GPLX, khách hàng mới phải trả tiền…
Tang vật thu được của vụ án.
Qua xác minh, Công an tỉnh Phú Thọ xác định các “trung tâm đào tạo sát hạch lái xe” đều không có địa chỉ thật, không có thông tin trong hệ thống đào tạo lái xe được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Tuy nhiên đã có số lượng lớn người đăng ký xin cấp GPLX các hạng trên nhiều tỉnh, thành phố nhận được hồ sơ và GPLX để sử dụng.
Sau khi xác định được chỗ ở các đối tượng, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ (ngày 6/10)
 đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra đột xuất và thi hành lệnh khám xét khẩn cấp phòng 0620 tòa nhà S2.06 Vinhomes OCEAN PARK.
Tại địa chỉ nêu trên, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều đối tượng ở trong phòng gồm Hoàng Văn Đằng, Phạm Văn Vượng, Tống Xuân Duy, Cao Thị Hiền và Trần Nhung Huyền cùng với 8 điện thoại di động các loại chứa nhiều thông tin liên quan đến hành vi lừa đảo và làm giả GPLX.
Theo kết quả điều tra ban đầu, từ khoảng tháng 6 đến tháng 10/2022, Phạm Văn Vượng đã tạo ra khoảng 20 trang fanpage, thường lấy phần đầu tên là “Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe…" để chạy quảng cáo nhận cấp, đổi GPLX các hạng, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của người có nhu cầu đăng ký xin cấp đổi GPLX. 
Từ trang Fanpage, Vượng chia ra các tài khoản nhỏ có liên kết với ứng dụng Pancake V2 để giao cho Duy, Hiền, Đằng theo dõi và mời chào, chốt đơn với người có nhu cầu đăng ký xin cấp đổi GPLX
Mức giá chung cho một bộ hồ sơ GPLX được nhóm của Vượng đưa ra là: GPLX xe máy giá 1,3 triệu đồng/bộ, GPLX ô tô giá 2,5 - 4,5 triệu đồng/bộ.
Khi có người đăng ký xin cấp đổi GPLX thì Duy, Hiền, Đằng chuyển cho Vượng qua ứng dụng tin nhắn Telegram. Vượng có trách nhiệm liên hệ với đối tượng làm giả hồ sơ và GPLX, sau đó gửi dịch vụ giao hàng nhanh dưới hình thức ship COD (tức là sau khi nhận hàng, kiểm tra hàng mới phải thanh toán tiền đơn hàng) và thu tiền của người đã đăng ký cấp, đổi GPLX để chiếm đoạt.
Vượng chia cho người chốt được đơn hàng theo tỷ lệ: Đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống, được trả công 100 nghìn đồng; đơn hàng từ 1,1 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng được trả công 200 nghìn đồng; đơn hàng từ 2,5 triệu đồng trở lên được trả công là 300 nghìn đồng.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận đã bán hàng trăm bộ hồ sơ và GPLX giả cho nhiều người tại nhiều tỉnh, thành phố khác nhau để thu lời bất chính. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra đã tạm giữ 127 bộ hồ sơ sát hạch lái xe và GPLX các đối tượng đã làm giả để phục vụ công tác điều tra.