Bộ Thông tin và Truyền thông: Sẽ thanh tra các nền tảng xuyên biên giới về quảng cáo


(CHG) Trả lời chất vấn trước nghị trường về vấn đề hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ thanh tra và mong muốn các cơ quan có liên quan cùng rà soát, xử lý. 
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 4/11. Ảnh: Quochoi.vn 
Nhức nhối vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội
Chia sẻ về lĩnh vực được chất vấn, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đa số vấn đề Đại biểu Quốc hội quan tâm đều liên quan tới công cuộc chuyển đổi từ môi trường thực sang môi trường số, được gọi là chuyển đổi số. Đảng và Nhà nước cũng đã xác định chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới giúp đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nhưng thể chế số, quản lý số, văn hóa số, nhân lực số, công dân số, thực thi số và ngân sách số vẫn đang theo sau.
Bộ trưởng cho rằng, nếu không nhanh chóng thu hẹp khoảng cách này thì đất nước không chỉ không tận dụng được cơ hội của chuyển đổi số mà còn phải đối diện với các nguy cơ to lớn của sự chuyển đổi này.
Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) phản ánh, trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội, hàng giả, hàng nhái được chào bán một cách công khai, nên cần phải siết lại và xử lý.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thừa nhận, đây là vấn đề khá nhức nhối. Theo Bộ trưởng, quy định của pháp luật Việt Nam quy định là các cơ quan phải đảm bảo thực hiện quảng cáo đúng pháp luật; tuy nhiên 2 năm gần đây có hình thức quảng cáo mới. Vì thế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã sửa các văn bản, nghị định và thanh tra kiểm tra để các cơ quan truyền thông chú ý thực hiện việc này.
Đối với các nền tảng xuyên biên giới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chính thức thanh tra về vấn đề quảng cáo; và mong muốn các bộ, ngành, địa phương trong thẩm quyền cùng rà soát các lĩnh vực có liên quan để kiểm tra xử lý vấn đề này.
Trả lời thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nêu 5 nhóm vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về an ninh mạng. Đó là hành lang pháp lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an ninh mạng chưa hoàn thiện. Quan hệ phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội còn chưa đi vào thực chất mà nặng về hình thức, có tình trạng khoán trắng nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng cho các cơ quan chuyên trách. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm còn chưa hiệu quả, chưa triệt để mà chưa kịp thời.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Tô Lâm, phần lớn nền tảng dịch vụ, công ty mạng xã hội, ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp nước ngoài hiện không có pháp nhân, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp Việt Nam để triển khai các biện pháp quản lý, phối hợp. Còn nhiều sơ hở trong quản lý các loại hình dịch vụ, lĩnh vực tiềm ẩn những nguy cơ tội phạm.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Quochoi.vn
Phát triển nền tảng số, kinh tế số
Trả lời chất vấn liên quan đến vấn đề phát triển nền tảng số, kinh tế số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam hiện đã có 8 cơ sở dữ liệu kết nối hiệu quả, trong đó có 5 cơ sở dữ liệu quốc gia và 3 cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Mỗi ngày có khoảng 2 triệu giao dịch kết nối Trung ương, địa phương, bộ ngành với nhau, tăng 4 lần so với năm ngoái.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nền tảng số trên không gian mạng cũng giống như hạ tầng trong thế giới thực. Nếu chúng ta không làm chủ các nền tảng số, người dân Việt Nam sinh sống, làm ăn, vui chơi, giải trí trên nền tảng số nước ngoài, dữ liệu sẽ bị thu thập, mà dữ liệu số được coi là tài nguyên Việt Nam.
Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp cho việc thiếu hụt nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo Bộ trưởng, hiện cả nước có xấp xỉ khoảng 1,2 triệu lao động, nhưng nhân lực tính từ cao đẳng trở lên chỉ khoảng 550 nghìn người. Giải pháp ở đây là đại học số. Tuy nhiên nếu đào tạo theo cách truyền thống thì đã đạt đến mức giới hạn. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cấp giấy phép về thí điểm đại học số. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ, nếu đại học số thí điểm sớm thì sẽ là một trong những giải pháp để có thể nhanh chóng có được nguồn nhân lực công nghệ số.
Về việc giữ chân đội ngũ công nghệ thông tin ở cấp xã, phường, thị trấn cho lộ trình xây dựng Chính phủ số, chính quyền điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tỷ lệ cán bộ làm công tác công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước tại Việt Nam là 0,9%.
“Đây là con số đáng suy nghĩ, bởi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực là 10%, riêng Mỹ là 15%. Nếu muốn đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia bởi cần phải coi lực lượng khoa học công nghệ số là lực lượng sản xuất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Vì thế, để giữ chân nhân tài, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần cơ chế ưu đãi, nhưng trong tổng thể chung thì không thể đòi hỏi cơ chế ưu đãi riêng. Do đó, Bộ trưởng cho rằng cần xây dựng nền tảng số, trợ lý ảo AI để đỡ một phần công việc của cán bộ thông tin từ đó phù hợp với mức lương họ đang nhận. Vẫn cần đầu tư vào nền tảng số, đồng thời tăng cường thuê, đặt hàng bên ngoài, người làm công nghệ thông tin trong nhà nước sẽ làm công việc đặt hàng.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/bo-thong-tin-va-truyen-thong-se-thanh-tra-cac-nen-tang-xuyen-bien-gioi-ve-quang-cao-168749.html