Trung Quốc là thị trường nhập khẩu số 1 đối với cá tra Việt Nam


(CHG) Năm 2022, Trung Quốc duy trì vị trí thị trường nhập khẩu cá tra số 1 của Việt Nam, vượt qua thị trường Mỹ. Ước tính đến hết tháng 10/2022, xuất khẩu cá tra thu về gần 2,2 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc chiếm 30% với khoảng 654 triệu USD.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 10/2022, xuất khẩu (XK) cá tra của cả nước đạt 2,06 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2021. Ước tính đến hết tháng 10/2022, XK cá tra sẽ thu về lượng ngoại tệ gần 2,2 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc chiếm 30% với khoảng 654 triệu USD, tăng 110%.
Trung Quốc duy trì vị trí thị trường nhập khẩu cá tra số 1 của Việt Nam.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, từ năm 2020 đến nay, Trung Quốc duy trì vị trí thị trường nhập khẩu cá tra số 1 của Việt Nam, vượt qua thị trường Mỹ. So với các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, Trung Quốc luôn duy trì tăng trưởng cao nhất, qua các tháng đều có doanh số tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ước tính trong tháng 10, XK cá tra sang thị trường này đạt khoảng 64,2 triệu USD, tăng 105% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, XK cá tra phile/cắt khúc đông lạnh sang đây chiếm 75% với trên 48 triệu USD. Cá tra tươi/đông lạnh nguyên con chiếm trên 24% đạt gần 16 triệu USD.
Tính đến hết tháng 10, XK cá tra phile đông lạnh sang Trung Quốc đạt trên 489 triệu USD, tăng 115%, XK cá tra tươi/đông lạnh mã 0303 đạt trên 163 triệu USD. Ước tính khối lượng cá tra phile đông lạnh XK sang Trung Quốc tính đến cuối tháng 10 đạt khoảng 215 nghìn tấn.
Việt Nam có hơn 400 doanh nghiệp XK cá tra sang thị trường Trung Quốc. Trong đó, duy trì ở top đầu gồm: Công ty CP Vĩnh Hoàn chiếm trên 16% kim ngạch cá tra XK sang Trung Quốc, Công ty TNHH Biển Đông chiếm gần 6%, Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm XNK Vạn Đức Tiền Giang, Công ty CP Nam Việt và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I đều chiếm 5%...
Trong top 10 doanh nghiệp XK cá tra lớn nhất sang Trung Quốc của nước ta còn có Công ty TNHH Đại Thành, Công ty CP Gò Đàng, Công ty CP Thủy sản Trường Giang, Công ty CP Chế biến và XNK Thủy sản Cadovimex II và Công ty CP Thủy Sản Ntsf.
Chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc khiến cho các ngành sản xuất của nước này đều bị ảnh hưởng, trong đó có ngành thuỷ sản. Khai thác và nuôi trồng thuỷ sản bị giảm sản lượng một phần vì các quy định kiểm soát Covid-19 của nước này. Do vậy, Trung Quốc càng phải gia tăng NK từ các nước để bù đắp thiếu hụt sản lượng cho tiêu thụ nội địa và cho cả lĩnh vực chế biến XK trong nước. Với vị trí địa lý gần sát Trung Quốc, thuỷ sản Việt Nam sẽ là lựa chọn ưu tiên của các nhà NK đại lục này, đặc biệt là mặt hàng cá tra.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã có thông điệp sẽ không nới lỏng ngay lập tức chính sách "Zero Covid", do vậy giao thương của các nước với Trung Quốc chắc chắn chưa thể hồi phục được như trước đại dịch. Tuy nhiên, quy định kiểm tra Covid-19 trong hàng nhập khẩu cũng đã được nới lỏng từ tháng 7/2022, tức là nhà XK sẽ không bị tạm ngừng XK nếu phát hiện có dấu vết virus corona trên sản phẩm hoặc bao bì sản phẩm nhập khẩu.
Vì vậy, cơ hội cho thuỷ sản Việt Nam thúc đẩy kim ngạch XK sang thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục rộng mở. Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường trụ cột và tiềm năng cho sản phẩm cá tra Việt Nam trong năm nay và năm tới.