Bắc Ninh: Phấn đấu đến năm 2025, không còn thực phẩm không an toàn


(CHG) Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn vừa ký ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm không an toàn” giai đoạn 2022 - 2025.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và nâng cao vai trò của các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; đẩy mạnh quy hoạch và phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; tăng cường kiểm soát chất lượng, nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm và phát triển chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn; nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong hành vi đảm bảo an toàn thực phẩm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm.
Chợ Trung tâm thị trấn Phố Mới (huyện Quế Võ).
Phấn đấu đến năm 2025, 90% nông dân trồng rau thực hiện cam kết sản xuất rau an toàn; 80% cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ thực hiện cam kết chăn nuôi an toàn; tăng thêm 1 - 2 điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh; 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; các sản phẩm thực phẩm chiếm khoảng 60% trong tổng số các sản phẩm được chứng nhận OCOP; 100% các chợ phù hợp quy hoạch được kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm...
Nhằm đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành chủ động triển khai nội dung kế hoạch. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm và các chợ được quy hoạch; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong kết nối, tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thực phẩm; đánh giá, phân hạng và công bố sản phẩm OCOP; chủ động triển khai các hoạt động chuyên môn: thông tin tuyên truyền; quản lý sản phẩm; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; giám sát mối nguy; quản lý ngộ độc thực phẩm...