Bài 3: Xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa Quốc gia của Việt Nam


(CHG) Việc xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 là hết sức cần thiết, là chính sách quan trọng mang tính định hướng, nền tảng để triển khai hoạt động tiêu chuẩn. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công văn số 4560/VPCP-KGVX ngày 21/7/2022 về việc xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa Quốc gia đến năm 2030. Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và địa phương xây dựng dự thảo “Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030”.

Ảnh minh hoạ.

Việc xây dựng chiến lược quốc gia về tiêu chuẩn hóa đến năm 2030 là chính sách quan trọng, đặt nền tảng để triển khai các hoạt động tiêu chuẩn một cách tổng thể đồng bộ và thống nhất từ Trung ương đến địa phương và các doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ cam kết hội nhập quốc tế, phù hợp xu thế phát triển tiêu chuẩn quốc tế và các nước tiên tiến trong khu vực.
Theo các chuyên gia, nếu Việt Nam không có chiến lược, định hướng rõ ràng để phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia làm nền tảng cho sản xuất, kinh doanh, thì các doanh nghiệp của ta sẽ khó tồn tại cũng như giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh trên trường quốc tế. Do đó, để thực hiện được mục tiêu của Chính phủ là phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển công nghiệp hiện đại và tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, cần xây dựng, ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa.
TS.Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng nhận định: “Mục tiêu nhằm đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế và hình thành nền tảng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phù hợp với tình hình mới, xác lập định hướng dài hạn, xác định nhu cầu và các đối tượng cần ưu tiên trong các ngành/lĩnh vực, qua đó tập trung các nguồn lực để triển khai thành công các mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội”.
Tại Việt Nam, các nghị quyết, quyết định gần đây của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đều nêu rõ là các mục tiêu, định hướng của các ngành, lĩnh vực phải theo phù hợp với quy định của các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, công nghiệp 4.0...  
Trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, trồng trọt... các chiến lược đã được quy định cụ thể trong luật để làm căn cứ xây dựng, triển khai áp dụng chiến lược trong các giai đoạn tới (ví dụ: Điều 22 Luật Bảo vệ môi trường quy định về Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; Điều 5 Luật Trồng trọt quy định về Chiến lược phát triển trồng trọt).
Thực hiện Khoản 2 Điều 59 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật về việc giao Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, chiến lược về hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn.
Tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân, chuyên gia và hiệp hội liên quan, Bộ Khoa học và công nghệ đã rà soát, xây dựng, hoàn thiện dự thảo “Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030” (Chiến lược). Trong Chiến lược có những nhiệm vụ, giải pháp như: 
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện hệ thống, chính sách pháp luật về hoạt động tiêu chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Rà soát và hoàn thiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để đảm bảo nâng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành, địa phương trong hoạt động tiêu chuẩn hóa;
Rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn nhằm thúc đẩy hoạt động đào tạo tiêu chuẩn tại các cơ quan quản lý Nhà nước, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục, tổ chức, doanh nghiệp;
Phát triển các nền tảng và công cụ xây dựng, soát xét và sửa đổi tiêu chuẩn; Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng, phổ biến, áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài đối với các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của Việt Nam.
Thứ hai, thúc đẩy nghiên cứu và xây dựng tiêu chuẩn quốc gia gắn với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia làm nền tảng cho ứng dụng và phát triển công nghệ cốt lõi của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ sản xuất và đời sống. Đổi mới sáng tạo trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, thông tin lượng tử, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin thế hệ mới, dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ chuỗi khối (Blockchain)...
Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển đối với các tiêu chuẩn trong các ngành sản xuất; Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn cho phát triển xanh và bền vững và từng bước nghiên cứu và xây dựng tiêu chuẩn trong xây dựng xã hội, xây dựng đô thị và nông thôn.

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Khung kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia được thực hiện trong giai đoạn 5 năm, bảo đảm bao trùm được các đối tượng, lĩnh vực, sản phẩm hàng hóa, quá trình và dịch vụ của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Thứ tư, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn đối với sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm. Trong đó, ưu tiên xây dựng và phát triển hệ thống tiêu chuẩn đối với các sản phẩm quốc gia trong danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của các bộ, ngành, địa phương; chú trọng hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài đặc biệt là các nước đối tác thương mại nhằm đẩy mạnh xuất khẩu;
Thứ 5, cần nâng cao nhận thức, phát triển nguồn nhân lực về tiêu chuẩn hóa. Chuẩn hóa hệ thống các chuyên gia về tiêu chuẩn tại các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực tiêu chuẩn hóa của các bộ, ngành, địa phương để nâng cao năng lực triển khai kế hoạch tiêu chuẩn quốc gia của các bộ, ngành, qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn. 
Rà soát, xây dựng, cập nhật và chuẩn hóa các giáo trình về tiêu chuẩn hóa; Hình thành mạng lưới chuyên gia về tiêu chuẩn được đào tạo nghiệp vụ theo chuẩn mực quốc tế; hình thành cơ chế đánh giá năng lực chuyên môn và khuyến khích nhân tài trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa;
Thứ 6, thúc đẩy hạ tầng số trong hoạt động tiêu chuẩn hóa như xây dựng thư viện chuẩn số quốc gia và nền tảng dịch vụ công chuẩn hóa; phát triển các tiêu chuẩn có thể đọc được bằng máy và các tiêu chuẩn nguồn mở, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi tiêu chuẩn hóa sang kỹ thuật số, nối mạng và thông minh; hình thành cơ sở dữ liệu về Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia; Hình thành nền tảng số về tiêu chuẩn nhằm kết nối và chia sẻ giữa Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp;
Thứ 7, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa. Nâng cao năng lực kỹ thuật của cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia thông qua các chương trình, dự án quốc tế, khu vực về tiêu chuẩn; 
Tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài trong các lĩnh vực trọng điểm; xây dựng các phiên bản đa ngôn ngữ của tiêu chuẩn quốc gia đối với các mặt hàng thương mại quy mô lớn, các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài; phối hợp thúc đẩy trao đổi và hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn gắn với tiêu chuẩn hóa công nghệ, công nghiệp và tài chính;
Thực hiện dự án quốc tế hóa tiêu chuẩn, nhằm thúc đẩy sự hài hòa của tiêu chuẩn Việt Nam với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế như Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật Điện quốc tế (IEC), Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), Ủy ban Tiêu chuẩn châu Âu CEN/CENELIC hoặc các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc... theo nguyên tắc xây dựng và triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp để giải quyết vấn đề thực tiễn của Việt Nam trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; đẩy mạnh các biện pháp thực thi pháp luật liên quan đến minh bạch hóa, hàng rào kỹ thuật trong thương mại với các đối tác nước ngoài trong khuôn khổ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia; gắn kết hoạt động của cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia với các hoạt động hợp tác quốc tế trong các ngành, lĩnh vực có liên quan của bộ, ngành nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.

(Còn tiếp)