Kiên quyết đảm bảo nguồn cung ứng thuốc dịp Tết Nguyên đán 2023


(CHG) Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp, nhưng tình trạng thiếu thuốc cục bộ ở nhiều cơ sở y tế vẫn diễn ra. Trước thực trạng đó, mới đây Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công điện gửi cơ quan quản lý, cơ sở y tế, đơn vị sản xuất kinh doanh thuốc trên cả nước yêu cầu đảm bảo cung ứng thuốc trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. 
Cần cung ứng thuốc đầy đủ trong dịp Tết. Ảnh minh hoạ.
Vẫn diễn ra tình trạng thiếu thuốc?
Theo thống kê tại 34/63 sở y tế, 21/39 bệnh viện tuyến Trung ương và 2 bệnh viện trực thuộc trường đại học, có 28/34 sở y tế báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương, 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị.
Trong đó, các loại thuốc thiếu tại cơ sở khám chữa bệnh bao gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.
Ngoài ra, có 26/34 sở y tế và 15/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất, chủ yếu là hóa chất dùng cho xét nghiệm. Có 14/34 sở y tế và 8/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo thiếu trang thiết bị y tế chuyên sâu như thiết bị phòng mổ, chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng nêu trên là do ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng. Một số nước áp dụng các biện pháp chống lạm phát... Các yếu tố này đã tác động tiêu cực đến việc cung ứng và giá thuốc, trang thiết bị y tế.
Một nguyên nhân nữa là việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm triển khai, chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường. Công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa quyết liệt; sự phối hợp giữa các đơn vị thiếu chặt chẽ. 
Cụ thể như tại bệnh viện Răng Hàm mặt Trung ương, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.000 lượt bệnh nhân ngoại trú, trong đó 2/3 dịch vụ phải sử dụng thuốc gây tê, nhưng hiện bệnh viên bị thiếu thuốc gây tê để phục vụ việc điều trị bệnh cho bệnh nhân.
TS.Phạm Thanh Hà, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết, thời gian qua bệnh viện đã phải “loay hoay” tìm loại thuốc phù hợp để thay thế những thuốc đang thiếu, đặc biệt là thuốc gây tê. Loại thuốc gây tê mà Bệnh viện đang sử dụng là thuốc nhập khẩu từ Pháp. Hiện nay, Việt Nam chưa sản xuất được thuốc tê nha khoa. Do đó, Bệnh viện không thể chủ động nguồn thuốc thay thế trong nước.
Hiện tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng đang thiếu nhiều loại thuốc giải độc, kể cả những thuốc cơ bản nhất. Thiếu thuốc đặc hiệu, các bác sỹ phải sử dụng tất cả các biện pháp có thể để cứu chữa bệnh nhân, nhưng tất nhiên, hiệu quả điều trị có phần hạn chế. 
Từ giữa tháng 8, một số cơ sở chuyên khoa tim mạch cũng bị thiếu thuốc chứa hoạt chất Protamin suflat (sử dụng trong phẫu thuật tim mạch-lồng ngực). Bệnh viện Bạch Mai đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế, đề xuất thành lập kho dự trữ thuốc hiếm, để sẵn sàng điều phối đến các bệnh viện trên toàn quốc khi có người bệnh sử dụng.
Tại Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội), không ít bệnh nhân đã phải chờ đợi hàng tháng để được truyền hóa chất. Nhiều người bệnh quyết định về quê vì không biết đến bao giờ mới có thuốc điều trị. Nhiều bệnh nhân ung thư khác đang trong cảnh mỏi mòn chờ được xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh.. vì Bệnh viện không còn hóa chất.

Quyết liệt hơn để chấm dứt tình trạng thiếu thuốc 
Để khắc phục hiện tượng nêu trên, thời qua đã có rất nhiều chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, tham khảo kiến nghị của các chuyên gia tại báo cáo kết quả tọa đàm các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế để đưa ra những giải pháp phù hợp, kịp thời cho các cơ sở khám, chữa bệnh.
Ngày 12/8/2022, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm “Các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế”. Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đã chỉ ra thực trạng, nguyên nhân thiếu thuốc, trang bị vật tư y tế và đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc. 
Tại Công văn số 514/VPCP-KGVX ngày 24/8/2022, xét Báo cáo của Cổng thông tin điện tử Chính phủ về kết quả tọa đàm “Các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế” (báo cáo số 718/BC-TTĐT ngày 17/8/2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, tham khảo kiến nghị của chuyên gia tại báo cáo kết quả tọa đàm để chỉ đạo thực hiện các giải pháp phù hợp, kịp thời giúp các cơ sở khám, chữa bệnh.
Về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, đề nghị bộ, ngành được giao nhiệm vụ cần gấp rút hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo nghị quyết về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và báo cáo Chính phủ.
Bên cạnh đó, một số văn bản hết hạn như Nghị quyết 12 của Quốc hội và một số nội dung liên quan đến giá thuốc trong Luật Dược, một số quy định của Luật Đấu thầu, cần phải xem xét những vướng mắc cơ bản, vì thuốc và trang thiết bị y tế là những mặt hàng kinh doanh có điều kiện và rất đặc trưng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người, rất cần phải có những giải pháp để triển khai thực hiện.
Về mặt thể chế, Bộ Y tế cần khẩn trương sửa đổi và sớm ban hành các thông tư liên quan hướng dẫn đấu thầu, thông tư về đăng ký thuốc, giá thuốc, hướng dẫn mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó có vật tư y tế. Đồng thời rà soát lại toàn bộ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu.
Mới đây, Cục Quản lý Dược đã gửi công điện số 12557/QLD-KD đề nghị các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm kiểm soát bệnh tật trực thuộc sở, khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai dự trữ thuốc. Đồng thời, sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân, bảo đảm chất lượng và giá thành hợp lý, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.
Chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, phục vụ công tác cấp cứu; phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19; thuốc phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên Đán cũng như thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa Đông – Xuân như sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy do virus rota, các bệnh hô hấp, tiêu hóa...
Cục Quản lý Dược chỉ đạo các bệnh viện, doanh nghiệp kinh doanh thuốc cần triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ và tăng cường các biện pháp quản lý không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến vào dịp nghỉ lễ kéo dài và khi bùng phát dịch bệnh.
Thanh tra Sở Y tế cần phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn về dược và các quy định về sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc và mỹ phẩm đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Đặc biệt, chú trọng công tác phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành, găm hàng, tăng giá... và xử lý nghiêm các trường hợp bị phát hiện.
Các doanh nghiệp, nhà thuốc kinh doanh thuốc trên địa bàn tổ chức các địa điểm trực bán thuốc 24/24 giờ, công bố thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời đáp ứng nhu cầu thuốc của người bệnh, không được đầu cơ, tăng giá thuốc trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Các bệnh viện chủ động liên hệ với các cơ sở cung ứng thuốc để đặt hàng, theo dõi tiến độ giao hàng, khẩn trương thực hiện mua sắm bổ sung khi có nguy cơ thiếu thuốc, hoặc giao hàng không kịp tiến độ.
Cơ sở sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ thuốc tăng cường nguồn cung, xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; khẩn trương cung ứng đủ thuốc khi nhận đơn đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh, không được để tình trạng đầu cơ, lợi dụng dịp Tết để tăng giá thuốc… xảy ra.
Đồng thời, Sở Y tế các tỉnh có trách nhiệm phân công cán bộ chuyên trách trực 24/24h trong các ngày nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 để theo dõi, nắm bắt tình hình và đảm bảo cung ứng thuốc trên địa bàn.
Mới đây, ngày 1/12 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, đã nhắc đến tình trạng tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị y tế chưa được xử lý dứt điểm. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cần tiếp tục xử lý các vấn đề nổi lên như khắc phục triệt để tình trạng thiếu xăng dầu, thuốc, vật tư y tế, thúc đẩy tiêm chủng…; phát triển các thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh, bền vững. Cùng với đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là trong dịp Tết, không để thiếu hụt và ổn định giá cả các loại hàng hóa...
Với chỉ đạo của Chính phủ và Công điện số 12557/QLD-KD, mong rằng tình trạng khan hiếm thuốc và vật tư y tế sẽ được khắc phục trong những ngày sắp tới, để người dân yên tâm đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.