“Quên” đóng phí duy trì mã số mã vạch


(CHG) Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã “quên” không thực hiện nghĩa vụ đóng phí hoặc gia hạn giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch khi hết hiệu lực. Việc vi phạm đó sẽ dẫn đến việc tồn đọng nợ phí mỗi năm, có thể bị phạt từ 2-50 triệu đồng.
 
Mã số mã vạch đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Ảnh: VGP
Theo Thông tư 232/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cấp mã số mã vạch, doanh nghiệp  khi đăng ký sử dụng mã số mã vạch – hệ thống mã số mã vạch toàn cầu GS1 phải đóng một khoản phí duy trì mã mỗi năm.
Tại Việt Nam, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ KH&CN), đại diện duy nhất của tổ chức GS1 quốc tế được cấp mã số mã vạch. Thông qua dịch vụ công quốc gia, Trung tâm đã cấp mới cho khoảng 6.000 doanh nghiệp mỗi năm. Đến nay, Trung tâm đã cấp cho gần 65.000 tổ chức, doanh nghiệp sử dụng mã với khoảng gần 1 triệu mã thương phẩm (GTIN) được tạo cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam.
Theo đánh giá, việc chấp hành các quy định về sử dụng mã số mã vạch tại Việt Nam rất nghiêm túc. Tuy nhiên, gần đây, xuất hiện tình trạng nhiều tổ chức, doanh nghiệp “quên” không thực hiện nghĩa vụ đóng phí hoặc gia hạn giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch hết hiệu lực, dẫn đến tình trạng nợ đọng phí mỗi năm. Khi cơ quan chức năng kiểm tra mới biết tình trạng nợ phí và giấy chứng nhận hết hạn.
Hiện nay, việc kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện các quy định về mã số mã vạch đang được các đơn vị chức năng như quản lý thị trường, lực lượng thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa tại trung ương và địa phương đưa vào nội dung kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra cơ quan chức năng sẽ dùng phần mềm Scan hoặc Check hoặc Verify để quét thông tin trên hàng hóa, đồng thời kiểm tra hiệu lực của Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã vạch của doanh nghiệp.
Sắp tới, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cho biết, sẽ lập kế hoạch kiểm tra chuyên đề riêng về mã số mã vạch để đánh giá rõ hơn về việc chấp hành quy định về mã số mã vạch và ngăn ngừa các vi phạm.
 
Nghị định 119/2017/NĐ-Cp của Chính phủ quy định cụ thể mức phạt tiền đối với các loại vi phạm. 
Theo đó, hành vi không thực hiện đóng phí duy trì sử dụng mã số mã vạch đúng quy định; không làm thủ tục gia hạn giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch hết hiệu lực.. sẽ bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng.
Phạt tiền từ 20-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi:cung cấp hoặc sử dụng nguồn dữ liệu về mã số mã vạch không đúng với nguồn dữ liệu mã số mã vạch của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và Tổ chức mã vạch quốc tế; cung cấp thông tin sai lệch về chủ sở hữu hoặc đối tượng sử dụng mã số mã vạch GS1 hợp pháp; phát triển và cung cấp các dịch vụ, giải pháp, ứng dụng dựa trên nền tảng mã số mã vạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.