Tọa đàm: “Chung tay chống hàng lậu, hàng giả, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, quyền lợi người tiêu dùng”


(CHG) Sáng ngày 2/12/2022, Tọa đàm “Chung tay chống hàng lậu, hàng giả, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, quyền lợi người tiêu dùng” do Tạp chí Hải quan tổ chức, đã diễn ra tại TPHCM.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm. Ảnh: C.L
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ tới dự và phát biểu chỉ đạo, định hướng tọa đàm.
Tọa đàm có sự tham dự của các diễn giả: ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia; ông Nguyễn Văn Ổn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu; bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM. Tọa đàm còn có sự tham dự của các đại biểu đại diện các Cục Hải quan, Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phía Nam; các chuyên gia, các Hiệp hội doanh nghiệp và trên 100 doanh nghiệp hoạt động XNK, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đại diện các cơ quan báo chí...
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng biên tập Tạp chí Hải quan Vũ Thị Ánh Hồng cho biết, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn là sự trăn trở và nỗi lo của xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hàng lậu, hàng giả không chỉ làm nhà nước thất thu thuế, mà còn làm cho nhiều doanh nghiệp bị xâm phạm, điêu đứng vì khi hàng hoá của mình làm ra bị các đối tượng làm giả, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của doanh nghiệp, hay không cạnh tranh nổi với hàng nhập lậu, trốn thuế. Còn người tiêu dùng thì bức xúc khi phải trả tiền cao mua hàng thật nhưng lại phải dùng hàng giả, hàng nhái, ảnh hưởng tới sức khỏe, tổn hại niềm tin vào hàng hóa sản xuất trong nước.
Tổng biên tập Tạp chí Hải quan Vũ Thị Ánh Hồng phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Tình hình buôn lậu, hàng giả đang diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi cả nước, đặc biệt tại các thành phố lớn, các địa phương có cửa khẩu biên giới đường bộ với nước bạn, mặc dù thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ nhiều vụ vi phạm. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng cấm, và hàng giả dự báo sẽ có những phức tạp vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sắp tới, trong đó có cả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua nền tảng thương mại điện tử.
Để tạo diễn đàn cho các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, hiệp hội nói lên tiếng nói của mình và đưa ra những giải pháp hữu hiệu giúp nâng cao năng lực trong “cuộc chiến” chống hàng lậu, hàng giả này, Tổng cục Hải quan giao Tạp chí Hải quan chủ trì tổ chức buổi tọa đàm: “Chung tay chống buôn lậu, hàng giả, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, quyền lợi người tiêu dùng”.
“Chúng tôi hy vọng, qua buổi tọa đàm này, các diễn giả, các hiệp hội, quý doanh nghiệp sẽ có nhiều ý kiến nhận diện thực trạng, về tình hình buôn lậu, hàng giả, cũng như khó khăn, hạn chế hiện nay trong công tác chống hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp, hiến kế… để góp phần nâng cao năng lực trong công tác chống hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; Đồng thời mong muốn các doanh nghiệp bị xâm phạm mạnh dạn có tiếng nói của mình để cùng cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng làm hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ngay tại cửa khẩu, cũng như trong nội địa”, bà Vũ Thị Ánh Hồng nhấn mạnh.
Quang cảnh tọa đàm
Phát biểu chỉ đạo, định hướng tại tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, với vai trò là thành viên cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục Hải quan đã chủ động tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp và trình ban hành kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa; đồng thời chỉ đạo toàn ngành Hải quan tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm, trọng tâm vào các mặt hàng cấm, hàng có giá trị lớn, thuế suất cao... Đặc biệt là cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Theo đó, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ hy vọng tại tọa đàm, các đại biểu sẽ trao đổi thẳng thắn thực trạng tình hình cũng như những khó khăn, vướng mắc trong công tác chống hàng lậu, hàng giả hiện nay; chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp, hiến kế... để góp phần nâng cao năng lực trong công tác chống hàng lậu, hàng giả , vi phạm sở hữu trí tuệ. Đồng thời mong muốn các doanh nghiệp bị làm giả hàng hóa, sản phẩm mạnh dạn có tiếng nói của mình để cùng cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này trong nội địa cũng như ngăn chặn ngay tại cửa khẩu.
Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, theo đánh giá của các Bộ, ngành, địa phương tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tuy không diễn biến quá phức tạp, ít phát sinh các điểm nóng nhưng ở một số thời điểm nhất định, tại các địa bàn trọng điểm trên tuyến biên giới Tây Nam, tuyến biển, tuyến đường hàng không và bưu chính quốc tế, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, mua bán, vận chuyển hàng cấm như ma túy, thuốc lá điếu, đường cát, xăng dầu, vàng, ngoại tệ...
Đại diện các nhà tài trợ Tọa đàm nhận hoa cảm ơn từ đại diện lãnh đạo Tạp chí Hải quan.
Với chức năng là đơn vị tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, từ đầu năm 2022 đến nay, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành các văn bản chỉ đạo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng, tuyến địa bàn.
Dưới góc độ cơ quan chuyên trách chống buôn lậu của ngành Hải quan, ông Nguyễn Văn Ổn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, trên thực tế thời gian qua, vấn nạn buôn bán vận chuyển hàng hóa, hàng giả diễn ra rộng khắp các tuyến cửa khẩu, quy mô tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng, các cửa khẩu đường bộ, đường biển, sân bay quốc tế đều đã phát hiện tội phạm. Điều này làm cho ngành Hải quan nói chung, Cục Điều tra chống buôn lậu nói riêng ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm SHTT.
Chia sẻ tại Tọa đàm, Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng TPHCM cho rằng, trong phạm vi quốc gia, hàng lậu, hàng giả làm trì trệ sự phát triển kinh tế, gây bất ổn xã hội, làm thiệt hại cho giới doanh nghiệp, ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng về nhiều mặt, mà điều quan trọng, người tiêu dùng chính là tất cả người dân đang sinh sống trên đất nước. Theo đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp, theo bà Thu, ngoài việc hoàn thiện quy định pháp luật, còn có trách nhiệm của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ngoài ra, tại Tọa đàm, nhiều nội dung liên quan đến tình hình buôn lậu, hàng giả, cũng như khó khăn, hạn chế hiện nay trong công tác chống hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ được đại diện các diễn giả, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp chia sẻ trực tiếp. Đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp, hiến kế… từ cộng đồng doanh nghiệp để góp phần nâng cao năng lực trong công tác chống hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/khai-mac-toa-dam-chung-tay-chong-hang-lau-hang-gia-bao-ve-thuong-hieu-doanh-nghiep-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-169677.html