Dứa Ba Đình - giải pháp xây dựng thương hiệu từ các sản phẩm OCOP


(CHG) Để đưa thương hiệu dứa Ba Đình được nhiều người biết đến, trước hết cần xây dựng thương hiệu, các sản phẩm OCOP đặc trưng từ quả dứa như sản xuất các loại mứt dứa, nước ép dứa với nhiều mẫu mã, thương hiệu và bảo đảm chất lượng thơm ngon... Các sản phẩm được tiêu thụ tốt cũng giúp người trồng có được nguồn thu nhập ổn định.

Người dân trồng dứa Ba Đình vào vụ thu hoạch
Ấp Ba Đình (xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân) trước đây từng là thủ phủ dứa của tỉnh Bạc Liêu, dọc theo triền sông Cái Lớn là những ruộng dứa bạt ngàn, xanh ngút mắt. Những ngày này, người dân trồng dứa ở ấp Ba Đình và xã Vĩnh Lộc A đang vào vụ thu hoạch. Với nghề trông dứa này, một năm người dân ở đây thu hoạch 2 vụ, sau 4 năm - 6 năm mới phải cải tạo trồng lại.
Một hộ dân tại ấp Ba Đình đã trồng dứa được hơn 40 năm cho biết, với 1,5ha diện tích trồng, mỗi năm gia đình thu hoạch hơn 6.500 quả dứa, cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng. Hiện thương lái đang thu mua dứa tại vườn với giá dao động 6.000 - 10.000 đồng/quả, tùy loại to, nhỏ. Với giá này, người trồng dứa cơ bản có lợi nhuận cao nên mọi người rất phấn khởi.
Chính vì thế, nghề trồng dứa cơ bản cũng cho thu nhập bền và đều. Nghề trồng dứa từng mang lại cuộc sống khấm khá cho người dân nơi dây, tuy nhiên có những thời điểm mô hình canh tác chăn nuôi khác hiệu quả hơn nên diện tích trồng dứa ở Ba Đình ngày càng thu hẹp.
Từ chỗ hơn 100ha canh tác, nay diện tích trồng dứa toàn xã còn hơn 10ha. Hiện còn hơn 30 hộ trồng dứa và chỉ còn vài hộ trồng với diện tịch hơn 1ha. Đa phần các hộ trồng dứa đều cho năng suất cao, trồng dứa không tốn nhiều chi phí đầu tư, công chăm sóc ít nên đối với những hộ còn trồng dứa Ba Đình vẫn cho hiệu quả kinh tế cao.
Dứa Ba Đình được trồng và duy trì trên đất phèn mặn nên cho quả có hương vị đậm đà, ngọt dịu thanh, thơm đặc trưng, ít xơ và giòn. Bởi vậy, quả dứa nơi đây đã trở thành niềm tự hào của người dân xã Vĩnh Lộc A. Được biết, dứa Ba Đình cung cấp chủ yếu cho thị trường trong tỉnh và một số địa phương lân cận như: Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang... Dù đã được đưa đi một số tỉnh bạn tiêu thụ nhưng dứa Ba Đình vẫn chưa được biết đến như các thương hiệu dứa cùng thời: Dứa Tắc Cậu (Kiên Giang), dứa Cầu Đúc (Hậu Giang). Những thương hiệu dứa này thậm chí còn nổi tiếng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Để đưa thương hiệu dứa Ba Đình được nhiều người biết đến, ông Nguyễn Quốc Thái, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A cho biết, trước hết cần xây dựng thương hiệu, các sản phẩm OCOP đặc trưng từ quả dứa như sản xuất các loại mứt dứa, nước ép dứa với nhiều mẫu mã, thương hiệu và bảo đảm chất lượng thơm ngon... Các sản phẩm được tiêu thụ tốt cũng giúp người trồng có được nguồn thu nhập ổn định.

Thời gian qua, xã Vĩnh Lộc A thường xuyên tuyên truyền, động viên bà con gìn giữ truyền thống của cha ông để tìm hướng đi mới cho người trồng dứa cũng như khuyến khích bà con tăng diện tích canh tác. Xã cũng đã cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm trồng dứa theo hướng chuyên canh ở các vùng khác, đồng thời cũng đã nghiên cứu nhân ra một số giống mới để trồng, nếu mang lại hiệu quả sẽ có hướng dẫn để nhân rộng cho người dân.