Tăng cường quản lý kinh doanh rượu dịp cuối năm


(CHG) Cận Tết, nhu cầu sử dụng hàng hóa gia tăng, các đối tượng sẽ lợi dụng để sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, trong có mặt hàng rượu. Trước tình hình trên, các lực lượng chức năng đã tăng cường quản lý việc sản xuất rượu thủ công, chú trọng kiểm soát rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc, rượu không đảm bảo chất lượng.

Tọa đàm "Nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh rượu dịp cuối năm"
Đây là nội dung đáng chú ý tại buổi tọa đàm "Nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh rượu dịp cuối năm" được tổ chức ngày 14/12, tại Hà Nội. Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương chia sẻ, mặt hàng rượu nói riêng và an toàn thực phẩm nói chung là lĩnh vực được Bộ Công thương chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường đặc biệt quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Với nhiệm vụ được giao, Tổng cục Quản lý thị trường luôn chỉ đạo sát sao các đơn vị trực thuộc, gồm cục quản lý thị trường ở các tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu. Trong quá trình kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành ký cam kết, tuyên truyền đến các hộ sản xuất, doanh nghiệp, người kinh doanh hiểu được tác hại của việc sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Từ đó, hạn chế các hành vi vi phạm trong việc sản xuất và kinh doanh rượu.
Đồng thời, Tổng cục Quản lý thị trường cũng tuyên truyền cho người dân nên mua những sản phẩm rượu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo theo đúng quy định của Nhà nước. Người tiêu dùng không nên lạm dụng rượu thủ công tự nấu để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Bởi, sản phẩm rượu thủ công đôi khi lẫn những tạp chất độc hại, không đảm bảo an toàn thực phẩm cho người sử dụng.
Ông Nguyễn Đức Lê cho biết thêm, vào những dịp cao điểm, Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm Quốc gia đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra cũng như chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, trong đó có Tổng cục Quản lý thị trường. Tổng cục quản lý thị trường đã có kế hoạch giao cho 63 tỉnh, thành tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm nhất là những lĩnh vực như rượu, bia, nước giải khát. Đồng thời, tiến hành kiểm tra chặt các mặt hàng liên quan đến thực phẩm như thịt lợn, sản phẩm về nông nghiệp… để đảm bảo người dân đón Tết an lành, mạnh khỏe.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ khoa học Công nghệ (Bộ Công thương) chia sẻ thêm, chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ bước sang năm 2023, do đó, Bộ Công thương thành lập 2 đoàn kiểm tra, một đoàn do Vụ khoa học Công nghệ và một đoàn do Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì kiểm tra về an toàn thực phẩm
Để giảm thiểu những thiệt hại đáng tiếc xảy ra với doanh nghiệp và người tiêu dùng, ông Nguyễn Việt Tấn khuyến cáo các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất và kinh doanh thực phẩm cần tuân thủ điều kiện để đảm bảo an toàn thực phẩm, chịu trách nhiệm trước sản phẩm, chế độ an toàn về sản phẩm mà đơn vị sản xuất ra.
Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân phải thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm trên nhãn hàng, bao bì theo quy đjnh của pahsp luật về nhãn hàng hóa. Chịu trách nhiệm thu hồi, xử lý sản phẩm không đảm bảo an toàn nếu có bởi mọi ahfnh vi vi phạm đều có chế tài xử phạt rõ ràng.
Tết Nguyên đán Quý Mão đang đến gần, người tiêu dùng cần tỉnh táo lựa chọn sản phẩm để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, không ham rẻ mà sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.