Thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan chỉ còn tính bằng… giây


(CHG) Nói về thành công của Hải quan Việt Nam những năm qua, phải kể đến công cuộc cải cách, phát triển và hiện đại hóa. Đây là thắng lợi lớn, tạo bước đột phá để Hải quan Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của nền kinh tế đất nước, đưa ngành Hải quan hoàn thành suất sắc nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó, trở thành một trong những đơn vị đi đầu về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương thức quản lý.

Hiện đại hóa Hải quan để phát triển bền vững

Công cuộc cải cách, phát triển và hiện đại hoá Hải quan Việt Nam được bắt đầu thực hiện từ năm 1987, đã đặt ra cho ngành Hải quan nhiều thách thức lớn, đòi hỏi Hải quan Việt Nam phải đổi mới toàn diện để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nhằm đảm bảo cho sản xuất trong nước phát triển, bảo vệ an ninh, an toàn hàng hóa ra vào Việt Nam, vừa đảm bảo cho dòng chảy thương mại quốc tế với Việt Nam không bị gián đoạn, góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho sản xuất trong nước, thúc đẩy hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước.
Từ khi triển khai Chiến lược phát triển Hải quan theo Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Hải quan đã nỗ lực, tập trung, tranh thủ các nguồn lực trên cơ sở bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước về Hải quan, phù hợp với từng giai đoạn phát triển và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, xây dựng Hải quan Việt Nam phát triển, hiện đại, hội nhập cùng Hải quan thế giới để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Đến nay, các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển Hải quan đã cơ bản hoàn thành, đưa ngành hải quan trở thành một trong những đơn vị đi đầu về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương thức quản lý.
Từ 2011 - 2019, số lượng tờ khai xuất nhập khẩu tăng 287,7% (từ 4,63 triệu tờ khai lên 13,32 triệu tờ khai); Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 254% (203,7 tỷ USD lên 517,7 tỷ USD); Số thu ngân sách của Hải quan tăng 160% (từ 217.014,76 tỷ đồng lên 347.280,7 tỷ đồng), mặc dù số lượng biên chế không tăng thêm mà còn phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Nhà nước.
Đến nay, hệ thống thể chế quản lý nhà nước về Hải quan đã tạo hành lang pháp lý cho việc đổi mới toàn diện hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực thi đầy đủ các cam kết quốc tế, hoàn thành các mục tiêu cải cách phát triển hiện đại hóa Hải quan.
Ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Hải quan đã có bước tiến nhảy vọt. Toàn ngành đã xây dựng được hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, với hệ thống thông quan điện tử tự động VNASSC/VCIS và các hệ thống e-Manifest (trao đổi thông tin trước khi hàng đến), e-Payments (thanh toán thuế điện tử), e-C/O,
e-Permits (thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN), VASSCM (giám sát tự động). Ngành Hải quan đã xây dựng được một hệ thống công nghệ thông tin tập trung cấp Tổng cục, để phục vụ công tác quản lý nhà nước về hải quan. Các hệ thống công nghệ thông tin đã cơ bản bao phủ toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ của ngành, hoạt động ổn định, thống suốt, hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu về quản lý hải quan.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn phát biểu tại Hội nghị trực tuyến cuối năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Đến nay, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% Cục Hải quan, Chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia. Việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa rất cao; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan chỉ còn từ 01 - 03 giây… là điều mà ngành hải quan cũng như doanh nghiệp xuất nhập khẩu không thể nghĩ tới trước khi triển khai Quyết định số 448/QĐ-TTg.
Từ ngày 27/01/2022, chức năng cảnh báo chống ùn tắc đã được Tổng cục Hải quan chính thức triển khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tổng cục Hải quan dự kiến sẽ triển khai mở rộng giải pháp ứng dụng dữ liệu định vị GPS để cảnh báo ùn tắc phương tiện vận tải và giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu, ICD, cảng biển, cảng hàng không quốc tế ngay trong thời gian tới.
Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại đã có bước đột phá. Tính đến ngày 15/6/2022, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 249 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối, với trên 4,92 triệu bộ hồ sơ của hơn 54.8 nghìn doanh nghiệp. Cơ chế một cửa ASEAN, đến nay, Việt Nam đã thực hiện trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D bản điện tử (e-C/O form D) với 09 nước ASEAN: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào, Philippines. Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN đã giúp giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành; đồng thời đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử.
Đẩy mạnh thực hiện kiểm tra, giám sát, kiểm soát bằng hệ thống trang thiết bị hiện đại như hệ thống camera giám sát, seal định vị, máy soi container, hệ thống tàu, thuyền công suất lớn, hiện đại... Đặc biệt, việc triển khai Hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động đã làm thay đổi căn bản phương thức giám sát từ thủ công sang điện tử, tăng cường vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan.
Phương pháp quản lý nguồn nhân lực hiện đại đã thúc đẩy trình độ, năng lực của cán bộ công chức hải quan để đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Công tác hội nhập và hợp tác quốc tế đã đi vào chiều sâu, góp phần hỗ trợ mạnh mẽ cho tiến trình cải cách, phát triển và hiện đại hóa của ngành Hải quan.
Tiến trình cải cách hiện đại hóa hải quan đã thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ phối hợp, gắn kết giữa cơ quan hải quan với các cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành và các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo mục tiêu vừa tạo thuận lợi thương mại vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hải quan. Đồng thời, tạo tiền đề để thay đổi phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong giai đoạn tới.
Hải quan Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu và kết quả to lớn trong công cuộc, xây dựng, phát triển và hiện đại hóa của mình.
Hải quan số - Hải quan thông minh sẽ là mục tiêu hiện đại hóa
Sau 10 năm triển khai Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 theo Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Hải quan Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu và kết quả to lớn trong công cuộc, xây dựng, phát triển và hiện đại hóa của mình. Những kết quả, thành tựu đạt được đã và đang giúp cho ngành Hải quan ngày càng phát triển hiện đại. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về Hải quan ngày càng được nâng cao, được Chính phủ và xã hội đánh giá là một trong những cơ quan hành chính nhà nước đi đầu trong công tác cải cách và phát triển.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược tài chính Việt Nam đến năm 2030; Cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước liên quan đến lĩnh vực Tài chính - Hải quan giai đoạn 2021 - 2030.
Trước bối cảnh thế giới đầy phức tạp, biến động nhanh, cùng với những yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước trong giai đoạn đến năm 2030 tầm nhìn 2045, đặt ra các đòi hỏi: Việt Nam phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Đẩy mạnh cải cách nền hành chính quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Cải cách tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đi cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức; Mở rộng, chú trọng nâng cao mức độ, chất lượng, năng lực hội nhập quốc tế để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; Tạo thuận lợi thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, khai thác và thực hiện hiệu quả, đầy đủ, toàn diện các cam kết về hội nhập quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số...
Kế thừa, phát huy, lan tỏa các kết quả, thành tựu đạt được trong cải cách, phát triển và hiện đại hóa Hải quan thời gian qua, giải quyết những thách thức đặt ra trong quản lý Nhà nước về Hải quan hiện tại và đến năm 2030, ngành Hải quan đã chủ động tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được trong công tác cải cách phát triển và hiện đại hoá; nghiên cứu nhận diện những thách thức Chiến lược đặt ra cho Hải quan Việt Nam trong bối cảnh mới đến năm 2030 tầm nhìn 2045; nghiên cứu xu hướng phát triển của Hải quan các nước phát triển, khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới về xây dựng và phát triển Hải quan hiện đại… Tổng cục Hải quan đã dự thảo Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, thực hiện lấy ý kiến các Bộ, Ngành, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Tiếp thu các ý kiến tham gia, Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện dự thảo báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngày 20/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 628/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030.
Chiến lược phát triển Hải quan xác định mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể, chỉ tiêu phấn đấu và hệ thống các giải pháp xây dựng và phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là “Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan. Quản lý thu thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả. Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia”.
Cụ thể hóa mục tiêu tổng quát Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, Hải quan Việt Nam xác định 07 mục tiêu cụ thể (nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong xây dựng và phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2030); đặt ra 26 chỉ tiêu phấn đấu (theo đó có 14 chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 và 12 chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030); 08 hệ thống các giải pháp toàn diện, đồng bộ, đầy đủ trong mọi lĩnh vực hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, hoạt động nghiệp vụ hải quan… để đảm bảo thực hiện thành công các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra tại Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030.