Xây dựng thương hiệu "đặc sản" nhờ áp dụng chuyển đổi số


(CHG) Phương thức canh tác nông nghiệp đang thay đổi nhờ công nghệ. Một thế hệ “nông dân số” đang chung sức xây dựng lên những vùng nông thôn mới thông minh, hiện đại.
Cam Cao Phong áp dụng công nghệ để phát triển thương hiệu.
Trong khi những loại cây có múi, nhất là cây cam, đang phát triển rầm rộ. Giá cả thị trường giảm có lúc xuống chỉ còn vài nghìn đồng/kg. Thế nhưng, quả cam Cao Phong từ Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (3Tfarm) lại vẫn có giá bán cao trên thị trường. Đặc biệt, quả cam Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã được chỉ dẫn địa lý trở thành những món quà cao cấp nhờ ứng dụng công nghệ trong trồng trọt, chế biến.
3Tfarm tổ chức trồng cam chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap có diện tích trên 40 ha cam với 25 hộ trồng theo hướng hữu cơ, đảm bảo 3 tiêu chí “tốt đất, tốt giống, tốt từ tâm”. Các thành viên hợp tác xã sử dụng phân trùn quế bón cây, phun và tưới cây bằng dịch trùn quế giúp cây có sức đề kháng tốt, tăng khả năng ra hoa, đậu quả cao. Các hộ còn sử dụng ngô, đậu tương, cá tươi ủ với men vi sinh hữu cơ để bón cây giúp cho cam có vị ngọt đậm tự nhiên, màu sắc bắt mắt.
Bên cạnh đó, hợp tác xã đầu tư 300 triệu đồng để cam Cao Phong được tắm sục ozne nhằm loại bỏ bụi bẩn và hóa chất tồn dư gây hại cho sức khỏe. 
Khi thu hoạch, trái cam được đưa về khu sơ chế, phân loại. Sản phẩm sẽ được chọn lọc rất khắt khe, chỉ có khoảng 8-10% trong tổng sản lượng cam sản xuất ra được chọn và đáp ứng đủ tiêu chuẩn về màu sắc, kích cỡ và chất lượng cho sản phẩm quà tặng cao cấp.
Sau đó, cam sẽ được xưởng rửa sạch, xử lý khử trùng theo quy trình và dán nhãn tem truy xuất nguồn gốc trên từng quả trước khi đóng gói vào hộp quà tặng đã được thiết kế đẹp mắt và độc đáo. Dòng sản phẩm này đang cung cấp cho một số đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch ở nhiều địa phương như Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh và các siêu thị.
Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc 3Tfarm cho biết: Trước đây, chị Thủy chỉ sử dụng facebook để giao lưu với cộng đồng làm nông nghiệp sạch, chia sẻ quá trình canh tác. Dần dần, facebook, zalo thành kênh quảng bá và bán hàng chính. Mỗi lần livestream, hợp tác xã có thể chốt bán vài tạ cam, chưa kể các bài đăng lẻ, đăng trong hội nhóm…Hiện tại, 70-80% đơn hàng được chốt qua nền tảng công nghệ, thay vì chờ thương lái đến tận vườn thu mua. 3Tfarm cũng xúc tiến việc bán cam và các sản phẩm chế biến từ cam qua các trang bán hàng điện tử.
Rõ ràng, với chiến lược phát triển kinh tế số, bằng việc áp dụng phương thức giao dịch qua sàn thương mại điện tử, bán hàng đa kênh, đa phương tiện, thiết lập hệ thống chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, cam Cao Phong không chỉ trở thành một “đặc sản” của tỉnh Hòa Bình mà còn mang lại nguồn thu lớn, làm thay đổi đời sống của người nông dân, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn mới của địa phương.