Hàng giả - “bóng tối” không chỉ trên nền tảng thương mại điện tử


(CHG) “Bóng tối” mới trên mặt trận chống hàng giả đã được nhìn thấy, nhưng chưa xác định rõ được đối tượng. Và ở đó đang đặt ra những câu hỏi lớn về một hành lang pháp lý tập trung, hiệu lực, có tính răn đe cao, nâng cao hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, hàng giả…

Theo số liệu mới nhất của Bộ Công thương, tổng bán lẻ hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử năm 2021 đạt từ 13,5 - 13,7 tỉ USD. Dự báo, năm 2023 thị phần bán lẻ trực tuyến là 16,5 tỉ USD và đến năm 2025 sẽ khoảng 38 - 39 tỉ USD.
Xu thế mua hàng của người dân đang có sự thay đổi nhanh chóng trong 2-3 năm gần đây và cả những năm tiếp theo với tất cả các mặt hàng, kéo theo đó là dịch vụ hậu cần, chuyển phát... Sự xuất hiện của bên thứ 3 này đã và đang phát triển rất mạnh, mà thương mại truyền thống không có. Theo nhận định của Bộ Công thương, nhiều doanh nghiệp chuyển phát lớn (bên thứ 3) có thể đạt doanh thu từ đây chiếm tới 90-95%.
Với những con số dự báo đó, dễ nhận thấy, kinh doanh hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử đang có xu hướng biến tướng thành kênh tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng… (gọi tắt chung là hàng giả). Ông Trần Hữu Linh (Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương) nhấn mạnh thông điệp có tính chất cảnh báo đối với các lực lượng chống hàng giả nói chung và quản lý thị trường nói riêng, rằng: Cần phải xác định chống hàng giả trên nền tảng thương mại điện tử là mặt trận mới.
Nhìn rộng ra, kinh doanh hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử không phải mới, mà cũng chẳng xa lạ - nó đã hình thành và nở rộ trên diện rộng ở các nước phát triển, có nền tảng công nghệ cao. Có vẻ như chúng ta hơi giật mình, khi thực tế ở Việt Nam trong 3 năm trở lại đây, các con số xử lý hàng giả tăng từng ngày, từng năm…
Thống kê khiêm tốn của lực lượng chống hàng giả cho thấy, những năm gần đây, lực lượng chức năng đã xử lý khoảng 3.000 vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính khoảng 20 tỉ đồng/năm… Cũng cần nói thêm, thủ đoạn của gian thương đã có những cảnh giới bằng cách đưa kho chứa hàng giả tới những nơi hẻo lánh (thậm chí cả trên không gian mạng), không còn tập trung ở các đô thị như trước đây, gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong hoạt động kiểm soát, kiểm tra, xử lý.
Đối diện với mặt trận chống hàng giả trên nền tảng thương mại điện tử mới này, khó khăn lớn nhất theo Tổng cục trưởng Quản lý thị trường, đại ý là: Chưa xác định rõ được đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng giả trên nền tảng thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ cao - nó đang hoành hành trong “bóng tối”.
“Bóng tối” là phần không gian không có ánh sáng, hiểu nôm na trên mặt trận chống hàng giả có sự “dò dẫm” của lực lượng chức năng…
Khó khăn trong chống hành giả không phải chỉ là lực lượng mỏng… Cần kể đến, quy định của pháp luật về chống hàng giả, thẩm quyền và chức năng quản lý nhà nước về đấu tranh, ngăn chặn và xử lý đối với hàng giả còn tản mát, hiệu lực và hiệu quả thiếu tính tập trung.
Tuy có sự tham gia của rất nhiều lực lượng: Quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành, khoa học và công nghệ, công an, hải quan, biên phòng... nhưng mỗi cơ quan có văn bản quy phạm pháp luật quy định thẩm quyền riêng, nên trong quy định và thực hiện có sự chồng chéo hoặc khác nhau về cách xử lý. Hơn nữa, các văn bản được cập nhật, thay đổi thường xuyên, liên tục, nên có độ trễ nhất định trong việc ra quyết định xử lý đối tượng, có phần làm suy giảm tính răn đe kịp thời.
Xin được nhấn mạnh lần nữa, thương mại điện tử  có sự tham gia của bên thứ ba mà thương mại truyền thống không có, liên quan đến vận chuyển, thanh toán. Từ đó có tình trạng: Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chuyển phát không quan tâm đến tính chất hàng hóa vận chuyển là gì, nên có thể vô tình đã tiếp tay cho hàng giả, thậm chí là hàng cấm.
Mặt khác, công cụ thanh toán, khuôn khổ pháp lý chưa được hoàn thiện nên cũng có những bất cập nhất định. Hoạt động thương mại điện tử  dựa trên hạ tầng công nghệ, nên việc ẩn đi, xóa chứng cứ cũng rất chóng vánh. Và khi đó, lực lượng chức năng phải phối hợp để khôi phục dữ liệu, lập vi bằng, rất mất thời gian... Vì vậy, nếu chậm trễ trong việc hoàn thiện các quy định pháp lý, vô hình chung đây cũng chính là “bóng tối” để hàng giả và gian thương hoành hành.
Khẳng định rằng, còn có “bóng tối” trên mặt trận chống hàng giả - nó đồng nghĩa với việc còn tồn tại “kho chứa” hàng giả và sự tiếp tay, bảo kê… như nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã từng nhận định: “Để tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại còn nhức nhối như hiện nay là do có sự tiếp tay, bảo kê của lực lượng chức năng. Do đó, cần nhận diện rõ vấn đề nổi cộm hiện nay trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chính là phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đổi tượng (trong bóng tối). Bên cạnh đó, cần tập trung rà soát thể chế để sửa đổi, bổ sung kịp thời với tình hình thực tế”.
Đáng mừng, mới đây, Bộ Công thương đã chính thức trình Chính phủ Đề án chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ người tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử, nâng cao sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng và cam kết của các sàn thương mại điện tử.
Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh phát biểu với báo chí luôn bày tỏ: Để đẩy lùi được hàng giả thì phải nắm được đối tượng, đặc biệt là đối tượng trong “bóng tối” trên sàn thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ cao; rất cần có kho dữ liệu lớn, kết nối liên thông dữ liệu của các bộ, ngành, nắm được từng đối tượng kinh doanh online…Một sàn có hàng nghìn, hàng vạn người bán hàng trên Zalo, Facebook, các mạng xã hội khác... không chỉ khiến Nhà nước thất thu thuế, mà còn làm mai một niềm tin trong nhân dân và quan hệ quốc tế trong lĩnh vực kinh tế hàng hóa, nên cần phải có cơ sở dữ liệu để nắm được đối tượng thì mới quản lý được.
Rõ ràng, chống hàng giả đã và đang (cần) có sự tham gia tích cực, liên tục, năng động và sáng tạo của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người tiêu dùng… làm ổn định, phát triển bền vững thị trường hàng hóa trong nước và hội nhập quốc tế.
Có điều, từ thực tiễn chống hàng giả vô cùng cam go và kéo dài đó, câu hỏi đặt ra là: Vì sao Việt Nam chưa có một “Đạo luật” về chống hàng giả chuyên biệt như các nước khác, tránh sự tản mát pháp lý, xung đột pháp lý - chưa phát huy được tính pháp lý tập trung, hiệu lực, tính răn đe…trong công tác chống hàng giả?