Cảnh báo khẩn cấp của WHO sau khi nhiều ca trẻ em tử vong vì sử dụng siro ho


(CHG) Hơn 300 trẻ nhỏ tại nhiều quốc gia đã tử vong do sử dụng siro ho khiến ngày 25/1 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải ra tuyên bố kêu gọi các quốc gia khẩn trương xử lý và loại bỏ các loại dược phẩm không đạt tiêu chuẩn.

Ghi nhận của WHO, năm 2022, hơn 300 trẻ em (chủ yếu là dưới 5 tuổi) tại các quốc gia: Gambia, Indonesia và Uzbekistan, đã tử vong vì tổn thương thận cấp tính. Những ca tử vong có liên quan đến siro ho nhiễm độc do có hàm lượng Diethylene glycol và Ethylene glycol cao, và là dạng thuốc không kê đơn. Những hoá chất trên thường được sử dụng làm dung môi công nghiệp, chất chống đông, có thể gây tử vong sau khi sử dụng một lượng nhỏ. Do đó, chúng thường không được dùng trong sản xuất và điều chế thuốc.
Nhận định đây không phải là sự cố riêng lẻ của bất cứ quốc gia nào, WHO kêu gọi 194 quốc gia phối hợp hành động để ngăn chặn các ca tử vong. Đồng thời, WHO cũng kêu gọi các bên liên quan tham gia vào chuỗi cung ứng y tế phải có hành động phối hợp ngay lập tức.

Hơn 300 trẻ em (chủ yếu là dưới 5 tuổi) tại các quốc gia Gambia, Indonesia và Uzbekistan đã tử vong vì tổn thương thận cấp tính có liên quan đến loại siro ho bị nhiễm độc.

WHO cũng khuyến nghị các quốc gia kịp thời kiểm tra, phát hiện và loại bỏ khỏi thị trường các loại thuốc nhiễm độc, cũng như tăng cường khâu giám sát chặt chẽ đối với các chuỗi cung ứng.
WHO kêu gọi các chính phủ và các cơ quan quản lý bảo đảm rằng tất cả các mặt hàng dược phẩm trên thị trường tại đất nước mình đều được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành và chỉ các nhà cung cấp được ủy quyền mới được phép bán các mặt hàng này. Đồng thời, các nhà sản xuất chỉ nên mua tá dược từ các nhà cung cấp uy tín và đầy đủ tiêu chuẩn.
WHO cũng cho rằng, nên tiến hành thử nghiệm toàn diện khi nhận được các nguyên liệu dược phẩm và trước khi sử dụng sản xuất thành phẩm.

Tháng 10/2022 và đầu tháng 1 năm nay, WHO đã phát đi cảnh báo, yêu cầu loại bỏ các siro ho do Maiden Pharmaceuticals và Marion Biotech của Ấn Độ sản xuất. Đây là hai sản phẩm có liên quan đến các trường hợp tử vong ở Gambia và Uzbeistan.
Trong năm 2022, WHO cũng cảnh báo với 4 nhà sản xuất của Indonesia là: PT Yarindo Frmatama, PT Universal Pharmaceutical, PT Konimex và PT AFI  Pharma. Các công ty liên quan phủ nhận sản phẩm nhiễm độc, một số từ chối bình luận trong khi các cuộc diều tra đang diễn ra.

Tại Việt Nam, thời gian qua, cơ quan chức năng liên tục đưa ra những cảnh báo khẩn cấp về việc các doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu kém chất lượng, nguyên liệu giả mạo trong quá trình sản xuất thuốc. Điển hình là vụ việc 4 công ty dược trong nước gồm: Công ty cổ phần dược Trung ương I; Công ty cổ phần US Pharma USA; Công ty cổ phần dược phẩm Quảng Bình và Công ty cổ phần dược phẩm Tipharco, sử dụng 2 lô nguyên liệu Methylprednisolone, số lô 04,1064-191204 và số lô 04.1064-220107, nhà sản xuất: Công ty Zhejiang Xianju Pharmaceutical Co.,Ltd không đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, phía Công ty  Zhejiang Xianju Pharmaceutical Co.,Ltd. đã phản ánh tới Cục Quản lý Dược về số nguyên liệu trên bị giả mạo về nguồn gốc, không phải là sản phẩm của Công ty Zhejiang Xianju Pharmaceutical Co.,Ltd. sản xuất. Cục Quản lý Dược yêu cầu thu hồi toàn quốc đối với toàn bộ các lô thuốc đã được sản xuất từ 2 lô nguyên liệu nêu trên.