Bài 2: Vượt qua khó khăn để hoàn thành mục tiêu năm 2023


(CHG) Năm 2022, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế khi tăng trưởng trên các mặt sản xuất, xuất khẩu, góp phần ổn định vĩ mô trong nước và an ninh lương thực toàn cầu. Với nền tảng như vậy, bước sang năm 2023, nhiều mặt hàng nông sản tiếp tục ghi nhận tín hiệu vui trong tháng đầu tiên của năm mới.
Tín hiệu mừng từ thị trường Trung Quốc
Ngay từ đầu năm 2023, tại các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bắt đầu nhộn nhịp trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, hứa hẹn những tín hiệu lạc quan.
Tại Quảng Ninh, ngay trong sáng 28/1, đã có 120 xe hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu cầu Bắc Luân 2 và lối mở cầu phao tạm Km 3+4 Hải Yên. Cụ thể, tại lối mở cầu phao tạm Km 3+4 Hải Yên đã có 115 xe hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, gồm 90 xe hải sản tươi sống các loại, 24 xe hoa quả và 1 xe cá đông lạnh với tổng khối lượng gần 640 tấn hàng nông, thủy sản.
Tại Lào Cai, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai cho biết trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ 20 -26/1/2023), đơn vị đã tiếp nhận và giải quyết 285 tờ khai hải quan thông quan qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Cửa khẩu Kim Thành). Trong đó, 183 tờ khai hàng xuất khẩu với khối lượng 6.452 tấn hoa quả (thanh long, dưa hấu, chuối, mít…); 102 tờ khai hàng nhập khẩu với số lượng 2.779 tấn (rau, củ, quả các loại). Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Kim Thành trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão đạt hơn 3 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,6 triệu USD; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt gần 520.000 USD. Tổng số thu thuế xuất nhập khẩu đạt 108 triệu đồng.
Tại Lạng Sơn, từ ngày 24-27/1, gần 3.000 tấn hàng hoá là nông sản, hoa quả (sầu riêng, mít, thanh long, xoài, chuối…) đăng ký trước đã được thông quan thuận lợi qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn sang thị trường Trung Quốc.
Theo ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (bộ NN&PTNT), việc Trung Quốc mở cửa biên giới, gỡ bỏ chính sách “Zero Covid” từ ngày 8/1/2023 thì hưởng lợi nhất chính là các ngành hàng nông sản tươi sống.
“Hàng tươi sống có giá trị cao, như cua, tôm hùm, tôm sú và tôm thẻ gần như chỉ xuất bằng đường bộ, mà trong giai đoạn Trung Quốc kiểm soát dịch “Zero Covid” thì cửa khẩu ách tắc, hàng không xuất được. Do vậy, khi họ mở cửa giao thương, thông quan các mặt hàng này thuận lợi hơn. Thứ hai là sức tiêu thụ của thị trường 1,4 tỷ dân bị kìm nén gần 3 năm qua, nay họ mở lại nhà hàng thì nhu cầu thủy sản tươi sống sẽ tăng mạnh”, ông Lê Bá Anh nhận định.
Các mặt hàng nông sản xuất khẩu mạnh trong năm qua.
Mới đây, theo một số nhà vườn trồng sầu riêng tại Cần Thơ, Tiền Giang... hiện giá sầu riêng đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Ghi nhận tại huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), giá sầu riêng Ri6 ngày 27/1 lên mức từ 105.000 - 125.000 đồng/kg, sầu riêng Thái giá 145.000 - 165.000 đồng/kg.
Nguyên nhân khiến giá sầu riêng thời điểm này tăng cao là do khu vực miền Tây còn khoảng 1,5 tháng nữa mới rộ vụ thu hoạch. Thời điểm này vẫn chỉ là sầu trái vụ, sản lượng khan hiếm. Trong khi, thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh nên giá sầu tăng cao.
Đại diện Công ty TNHH xuất nhập khẩu Vạn Xuân Phát cho biết, mỗi tháng, công ty xuất 1.000 tấn sầu riêng Việt Nam theo đơn đặt hàng của đối tác. Còn một công ty chuyên mua sầu riêng tại tỉnh Bình Phước cho hay, lần đầu xuất 1 container sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. Nhưng mới đây, doanh nghiệp này tiếp tục nhận đơn hàng xuất khẩu 500.000 tấn sầu riêng Việt Nam. Dù vùng trồng chưa đáp ứng đủ lượng hàng, công ty sẽ thu gom nhiều nơi khác đạt chất lượng, có hàng để giữ mối.
Là một trong 25 doanh nghiệp Việt Nam có mã số về sầu riêng, mã số vùng trồng xuất thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group cho hay, Vina T&T Group và Tập đoàn Sunwah (Hong Kong - Trung Quốc) đã ký kết xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang thị trường này. Dự kiến năm 2023, sản lượng sầu riêng tươi xuất khẩu là 90.000 tấn, khoảng 4.500 container. Với những kết quả đạt được, dự báo trái sầu riêng sẽ là loại quả “tỉ đô” trong năm 2023.
Hướng tới các thị trường khó tính trong năm 2023
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, đóng góp của nông nghiệp không chỉ ở giá trị kim ngạch xuất khẩu, mà quan trọng hơn là sự thâm nhập vào các thị trường với cung cách sản xuất ngày càng tiệm cận những chuẩn mực cao hơn. Năm 2022 vừa qua, dù tỉ trọng của ngành nông nghiệp ngày càng nhỏ dần trong GDP nhưng tăng trưởng đạt 3,36% là mức cao nhất trong nhiều năm qua, góp phần cho sự phục hồi và ổn định vĩ mô.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với hai cuộc khủng hoảng về năng lượng và lương thực, giá lương thực toàn cầu tăng rất mạnh. Ngành nông nghiệp nước ta đã đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cả về nguồn cung ứng và giá cả, không gây biến động lớn, vừa phục vụ xuất khẩu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, khi sản xuất của một số lĩnh vực rơi vào suy giảm, ngưng trệ, lao động dôi dư, thất nghiệp, nông nghiệp luôn là “trụ đỡ bảo hiểm” về mặt xã hội. Rất nhiều giai đoạn đã chứng minh điều này và trong nửa cuối năm 2022, vai trò trụ đỡ nền kinh tế của nông nghiệp càng thấy rõ.
Quả bưởi Việt Nam đã được xuất khẩu sang Mỹ.
Năm 2022, có thể nói, Việt Nam bắt đầu hưởng thành quả sau nhiều năm nỗ lực thúc đẩy mở cửa thêm nhiều thị trường xuất khẩu nông sản.
Cơ cấu thị trường cũng thay đổi. Thị trường Mỹ đang chiếm tỉ trọng lớn với hơn 24%, Trung Quốc trên 19%, châu Âu và các thị trường khác chiếm 39,9%, Nhật Bản gần 10%, Hàn Quốc 4,7%... Các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, nông sản Việt từng năm đều gia tăng về sản lượng và giá trị, cho thấy tái cơ cấu nông nghiệp đã vào chiều sâu, tư duy sản xuất nông nghiệp đã chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Việc đa dạng thị trường cũng là giải pháp để các ngành hàng nông sản của Việt Nam xoay chuyển, hướng vào chế biến sâu, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu và xúc tiến thị trường một cách linh hoạt.
Theo các chuyên gia dự đoán, năm 2023, có thể còn khó khăn hơn, bởi lạm phát toàn cầu sẽ lan đến những khu vực có độ trễ, quy chuẩn của thị trường ngày càng khắt khe hơn, nên chúng ta phải chủ động thích ứng, làm quen với những chuẩn mực của thế giới. Giờ đây, các nhà nhập khẩu thế giới không chỉ đánh giá sản phẩm nông nghiệp qua chất lượng và giá cả sản phẩm, mà qua lăng kính về trách nhiệm xã hội. Họ xem xét quy trình canh tác nông sản có gây ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, gây hiệu ứng nhà kính,... hay không?
Đó là những sức ép đòi hỏi chúng ta phải thay đổi. Chúng ta phải hướng đến nền nông nghiệp có trách nhiệm, phát triển bền vững. Nếu chúng ta chủ động thay đổi thì sẽ đỡ khó khăn hơn, bởi sự thay đổi đó là cho chính chúng ta, để giữ gìn tài nguyên cho đời sau.
Bộ trưởng Bộ NN & PTNT, ông Lê Minh Hoan cho rằng: Chúng ta phải thoát khỏi tư duy sản lượng, phải hướng đến chất lượng, hướng đến kinh tế tuần hoàn, bắt đầu từ những mô hình đơn giản. Tất cả chúng ta phải thay đổi bởi “thay đổi một suy nghĩ – thay đổi cả cuộc đời”. Như vậy mọi thay đổi đều khó khăn nhưng nếu không thay đổi thì càng khó khăn hơn, và thay đổi tư duy sẽ đưa ngành nông nghiệp Việt Nam có một năm 2023 khởi sắc - đạt nhiều thành quả hơn nữa.
 
Ngày 13/1/2023, tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp và bà con nông dân, Với tăng trưởng 3,36%, xuất khẩu trên 53 tỷ USD, ngành nông nghiệp đã khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Thủ tướng đề nghị, năm 2023, Bộ NN&PTNT cần tiếp tục tìm tòi, sáng tạo, tự tin, bản lĩnh, linh hoạt trong điều hành sản xuất; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu; đẩy mạnh quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, ngang tầm với yêu cầu phát triển; ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; gắn nông nghiệp với văn hóa và du lịch…
Thủ tướng cũng đề nghị ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 3,5%, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt ít nhất 55 tỷ USD.
Ngành nông nghiệp cần tiếp tục giảm các thủ tục hành chính; hoàn thiện các thể chế, tập trung tháo gỡ các vướng mắc thực tiễn, tham gia xây dựng các luật, đặc biệt là Luật Đất đai.