Chống “chuyển phát” hàng cấm hàng giả


(CHG) Sự bùng nổ của thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam đã khiến dịch vụ chuyển phát hàng hóa, nhất là qua đường bưu chính tăng tốc mạnh mẽ. Tuy nhiên, mặt trái của làn sóng đầu tư, ứng dụng công nghệ số và đơn giản hóa thủ tục hành chính của ngành bưu chính đã bị các đối tượng buôn lậu hàng cấm, hàng giả lợi dụng, trở thành một phương thức trợ giúp đắc lực.
Lĩnh vực bưu chính, chuyển phát nhanh cho thấy rõ vai trò “sống còn” đối với sự vận hành, phát triển
của đời sống kinh tế - xã hội.
Vận chuyển hàng giả, hàng nhái… “hợp pháp”!?
Từ thời điểm nhiều tỉnh, thành phố lớn tại Việt Nam phải giãn cách xã hội do Covid-19 hoành hành cho đến thời điểm “bình thường mới” hiện nay, người ta đã thấy rõ vai trò “sống còn” của lĩnh vực bưu chính, chuyển phát nhanh đối với sự vận hành, phát triển của đời sống kinh tế - xã hội trong nước.
Chính trong hoàn cảnh khó khăn đó, các doanh nghiệp chuyển phát đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình với nền kinh tế, đặc biệt là tình hình an sinh xã hội. Khi mọi hoạt động khác gần như phải đứng yên - trừ công tác chống dịch - thì bưu chính, chuyển phát là “mạch máu” giúp nền kinh tế vẫn “sống”, tình hình an sinh xã hội vẫn ổn định.
Việt Nam đang có sự bùng nổ mạnh mẽ về thương mại điện tử. Mỗi tháng, các sàn thương mại đều có đợt sale mạnh, tỷ lệ giảm giá cao trên toàn sàn nhằm kích thích tiêu dùng. Các sàn thương mại điện tử đều có chính sách hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa ở mức từ 50 - 100%. Điều này kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, nhất là đối tượng tiêu dùng trẻ tuổi.
Tuy nhiên, đây cũng là phương thức mua sắm tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đôi khi là cả hàng cấm trong các gói hàng “chuyển phát” từ chủ cửa hàng trên sàn thương mại đến tay người mua hàng trực tuyến.
Lợi dụng chính sách tạo đơn nhanh, vận chuyển và bảo mật hàng hóa của đơn vị kinh doanh dịch vụ vận chuyển, các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng cấm thường tập kết hàng tại các kho lớn, chia hàng và giao hàng theo hình thức thu tiền sau, dễ dàng lách qua sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Theo quy định hiện nay, cơ quan bưu chính và các doanh nghiệp làm dịch vụ chuyển phát thay mặt cho khách hàng kê khai hàng hóa và làm thủ tục hải quan. Vì vậy, khi phát kiện bưu phẩm có vi phạm, truy tìm người chịu trách nhiệm rất khó, vì người gửi có thể dùng địa chỉ giả.
Bên cạnh đó, người nhận khi biết đó là hàng cấm hoặc phải đóng thuế cao thì từ chối nhận. Bất cập này tồn tại từ khá lâu, nhưng khó thay đổi, vì đó là thể lệ bưu chính và phải thuân thủ theo thông lệ quốc tế.
Đối với hàng hóa vận chuyển trong nước bằng đường hàng không, sẽ chỉ bị kiểm tra ở đầu nhập hàng và đầu cuối trả hàng, không bị kiểm tra trong quá trình vận chuyển như đường bộ. Hơn thế, hàng hóa được kẹp chì, dán niêm phong, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý gian lận.
Lợi dụng chính sách tạo đơn nhanh và bảo mật hàng hóa của đơn vị kinh doanh dịch vụ vận chuyển, nhiều đối tượng đã giao hàng giả, hàng cấm theo hình thức thu tiền sau.
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều vụ việc có liên quan đến hành vi vận chuyển hàng giả, hàng cấm qua đường chuyển phát nhanh. Điển hình như tại Thanh Hóa, sau hai tháng trinh sát, nắm bắt vụ việc, các dấu hiệu vi phạm trên các livestream mà cơ sở đăng tải, ngày 27/4/2022, các cơ quan chức năng bất ngờ kiểm tra 5 kho hàng tại đường Tô Vĩnh Diện, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, chủ cơ sở đã phân chia thành từng lĩnh vực với các mặt hàng riêng biệt như khu phục vụ livestream, kho chứa các mặt hàng thời trang gia dụng, giầy dép, hóa mỹ phẩm… Tổng số trên 12.000 sản phẩm có nhiều dấu hiệu vi phạm. Trong đó phần lớn là các sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như Channel, Gucci, Loui Vuitton, Kenzo… Ngoài ra, còn có một lượng lớn sản phẩm là hàng hóa do nước ngoài sản xuất, chủ cơ sở chưa chứng minh được nguồn gốc hợp pháp.
Cùng với đó, tại hiện trường, hàng trăm đơn hàng đã được đóng gói chờ vận chuyển. Điều này cho thấy, hàng hóa được phân phối khắp nơi trong cả nước thông qua dịch vụ chuyển phát.
Ngày 27/5/2020, Đội 1 và Đội 3 của Cục Quản lý thị trường TP.HCM đồng loạt kiểm tra nhiều kho hàng trên đường Lương Minh Nguyệt (quận Tân Phú) và đường Thành Thái (quận 10).
Tiến hành kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng đã ghi nhận rất nhiều các mặt hàng mỹ phẩm các loại, mang các nhãn hiệu nước ngoài mà không có nhãn phụ Tiếng Việt. Bao bì sản phẩm cũng không có tài liệu liên quan đến chất lượng hàng hóa. Chủ hàng không có hóa đơn chứng từ hợp pháp để chứng minh nguồn gốc hàng hóa theo quy định. Tổng số hàng hóa ghi nhận lên đến 92.000 sản phẩm với tổng giá trị niêm yết gần 6 tỷ đồng. Hình thức tiêu thụ hàng hóa là bán hàng trực tuyến và chuyển hàng qua đường bưu chính.
Trong những tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phát hiện bắt giữ một số vụ vi phạm pháp luật về hải quan trong đó có vụ vận chuyển trái phép 1,6kg ma túy tổng hợp của một đối tượng người nước ngoài.
 Trách nhiệm của doanh nghiệp bưu chính
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó, chú trọng đối với phương thức thông qua dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng hóa nhập lậu.
Nhằm nâng cao việc quản lý hàng hóa vận chuyển qua đường bưu chính, vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã ký kết Quy chế phối hợp về việc kiểm tra và xử lý tình huống đối với hàng hóa kinh doanh gửi qua đường bưu điện trong nước.
Theo đó, hai đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất xử lý bưu phẩm, bưu kiện là hàng hóa vi phạm pháp luật; cung cấp thông tin về hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, cập nhật các vi phạm xảy ra trên thị trường để tăng cường công tác kiểm soát hàng hóa gửi qua đường bưu chính.
Bà Chu Quỳnh Anh, Phó trưởng ban Dịch vụ bưu chính, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp trong ngành bưu chính chưa được trang bị công cụ, dụng cụ hiện đại nhằm hỗ trợ kiểm tra, phát hiện hàng giả, hàng nhái.
Nhân viên bưu chính chưa được đào tạo bài bản và cũng chưa đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phát hiện, xác định hàng nhận gửi là hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm pháp luật. Do vậy, nhiều đối tượng vi phạm lợi dụng bưu chính để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu có thủ đoạn tinh vi (làm giả giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng, chia nhỏ các chi tiết hàng hóa…) khiến nhân viên bưu chính khó phát hiện.
Một hạn chế nữa là hiện chưa có cơ chế hay quy định pháp lý bắt buộc đối với phương tiện, công cụ soi chiếu và tiêu chuẩn của nhân viên giao hàng tại công ty dịch vụ chuyển phát nhanh. Trong khi đó, việc đầu tư công cụ soi chiếu đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát rất tốn kém, ảnh hưởng tới giá cả và thời gian giao nhận hàng hóa.
Tuy nhiên, việc xác định hàng hóa là hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại lợi dụng vận chuyển qua đường bưu chính là một việc không dễ, nhất là với tốc độ vận chuyển hàng hóa nhanh và số lượng ngày càng nhiều như hiện nay.
Cần phải có một chế tài đủ mạnh, có sức răn đe trang bị cho lĩnh vực vận chuyển hàng hóa qua dịch vụ bưu chính để xử phạt nghiêm khắc các đối tượng vi phạm. Đồng thời, cần có sự phối hợp ra quân đồng bộ của các lực lượng chức năng liên ngành để ngăn chặn các hành vi vi phạm trong việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.